Đồng Hỷ: Chủ tịch thị trấn Trại Cau ký xác nhận chuyển nhượng đất trái luật?

Ông Vũ Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch thị trấn Trại Cau (bên phải), ông Nghiêm Sơn Hà, tân Chủ tịch thị trấn Trại Cau (bên trái).

Dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên do Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc làm chủ đầu tư với tổng mức đầu tư gần một nghìn tỷ đồng. Dự án được tỉnh Thái Nguyên phê duyệt chủ trương đầu tư tháng 6/2018.

Dự án được kỳ vọng khởi công từ quý 2/2019 nhưng đến nay sau dự án vẫn chỉ dừng ở mức “trên giấy” sau nhiều năm chờ đợi kể từ khi tỉnh có quyết định phê duyệt chủ trương.
Lý do là bởi sự chậm trễ của Chủ đầu tư trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, cụ thể đến tháng 5/2020 dự án mới có Quyết định phê duyệt đánh giá tác động môi trường (DTM).

Bên cạnh đó, dự án sử dụng trên 10 ha đất lúa và đến nay vẫn chưa được Thủ tướng đồng ý, chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Vì vậy dự án bị trì trễ, kéo dài nhiều năm không thể triển khai, đưa vào hoạt động như dự kiến.

“Vượt quyền” ký xác nhận chuyển nhượng đất?Dù chưa được Thủ tướng chấp thuận nhưng Chủ đầu tư – Công ty TNHH Xây dựng Mỹ thuật Thiên Phúc (gọi tắt là Cty Thiên Phúc) đã tự ý đi thu mua đất; làm hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất với người dân có đất thuộc vùng dự án. Đáng nói, hành vi có dấu hiệu vi phạm luật pháp trên không những không bị “tuýp còi”, xử lý mà UBND thị trấn Trại Cau lại đóng dấu, xác nhận vào hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất chưa đúng quy định. Có hay không việc chính quyền thị trấn tiếp tay, “bật đèn xanh” cho Chủ đầu tư gom đất?

Theo số liệu của UBND huyện Đồng Hỷ (trích văn bản số 786), tính đến nay Cty Thiên Phúc đã thỏa thuận chuyển nhượng đất của 44 hộ dân, tổng hơn 16 ha đất lúa. Hình thức giao dịch dưới dạng hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng giữa doanh nghiệp và người dân có đất.

Theo đó, người dân đồng ý bán đất và ký vào hợp đồng sẽ được Chủ đầu tư thanh toán 70% tổng giá trị hợp đồng, số 30% còn lại sẽ được tất toán sau khi Chủ đầu tư hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ pháp lý.

Hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng giữa doanh nghiệp và người dân bị huyện Đồng Hỷ “tuýp còi” vì chưa đúng quy định.

Qua nghiên cứu hồ sơ, tài liệu có nhiều dấu hiệu vi phạm về ký hợp đồng giao dịch chuyển nhượng đất. Đầu tiên, tại thời điểm ký hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất, Chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý; chưa được cấp có thẩm quyền đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Ngoài ra hợp đồng không đúng với mẫu chuyển nhượng, sau đó UBND thị trấn Trại Cau ký, xác nhận là chưa đúng quy định. Đây cũng là nội dung được bà Phạm Thị Yến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ nêu tại văn bản số 786.

Việc ký, xác nhận vào hợp đồng giữa doanh nghiệp và người dân là không đúng quy định

Vì chưa đúng quy định nên UBND thị trấn Trại Cau có dấu hiệu vi phạm Khoản 4, Điều 22, Nghị định 23/2015/NĐ-CP về xác nhận hợp đồng giao dịch. Mặt khác, Khoản 1, 4, 6, Điều 9, Nghị định này cũng quy định về quyền, nghĩa vụ người xác nhận phải đảm bảo trung thực, chính xác. Đối với văn bản yêu cầu xác nhận, UBND thị trấn Trại Cau cần yêu cầu tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin để xác minh tính hợp pháp của giấy tờ đồng thời từ chối xác nhận khi nội dung trái pháp luật. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm cần lập biên bản tạm giữ, chuyển cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, dự án Khu du lịch sinh thái, văn hóa Đá Thiên từng được ông Hoàng Trung Thông, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau khẳng định là dự án trọng điểm, được nhiều lãnh đạo quan tâm. Như vậy, hồ sơ pháp lý dự án chưa hoàn thiện, cấp có thẩm quyền chưa đồng ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, UBND thị trấn Trại Cau là đơn vị quản lý phải nắm rõ.

Vậy đối với hợp đồng chưa đúng mẫu, thiếu sót về hồ sơ, pháp lý tại sao Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau, khi đó là ông Vũ Đăng Khoa (hiện là Bí thư) lại ký, xác nhận? Trong quá trình chứng thực, UBND thị trấn Trại Cau đã làm việc trung thực, khách quan, đúng luật hay chưa? Khi chứng thực đối với hợp đồng liên quan đến dự án trọng điểm, UBND thị trấn Trại Cau có yêu cầu tổ chức, cá nhân có tên trong hợp đồng cung cấp thông tin hay “phớt lờ” cho tổ chức, cá nhân yêu cầu chứng thực?

Tân Chủ tịch thị trấn Trại Cau, ông Nghiêm Sơn Hà.

Trả lời vấn đề này, ông Nghiêm Sơn Hà, tân Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau cho biết, việc ông Khoa (hiện là Bí thư) ký, xác nhận là xác nhận hợp đồng đặt cọc giữa hai bên không phải xác nhận cho việc chuyển nhượng đất.

Tuy nhiên, ông Vũ Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch thị trấn Trại Cau (hiện là Bí thư thị trấn) – người trực tiếp ký vào hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất đã phủ nhận thông tin ông Hà đưa ra và thừa nhận việc ký vào hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất không phải hợp đồng đặt cọc như ông Hà thông tin.

Có hay không việc “vượt” thẩm quyền khi xác nhận vào hợp đồng (thỏa thuận) chuyển nhượng đất tại thời điểm hồ sơ, pháp lý còn thiếu, chưa được cấp thẩm quyền cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất?

Việc ký, xác nhận là xác nhận việc (thỏa thuận) chuyển nhượng đất dưới hình thức hợp đồng và không tồn tại hợp đồng đặt cọc như lãnh đạo thị trấn thông tin. Vậy khi ký, dùng con dấu Ủy ban để xác nhận, lãnh đạo thị trấn có kiểm tra, nhận thức được nội dung hợp đồng trước khi ký xác nhận hay không? Có hay không việc “bật đèn xanh”, tiếp tay cho Chủ đầu tư gom đất trái luật?

Xử lý sai phạm còn “giơ cao, đánh khẽ”

Liên quan đến sự việc trên, UBND huyện Đồng Hỷ nhận định việc làm các văn bản thỏa thuận giữa công ty với người sử dụng đất và UBND thị trấn Trại Cau xác nhận như vậy là chưa đúng quy định.

Đồng nhận định, chuyên gia luật nhận định chủ đầu tư tự ý thu mua gần 20 ha đất lúa để thực hiện dự án là trái luật bởi Điều 191 – Luật Đất đai quy định các trường hợp không được nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp quy định: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Mặt khác, Chủ đầu tư không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhưng đã thực hiện một số hợp đồng chuyển nhượng đất nông nghiệp với một số người dân được UBND thị trấn xác nhận, không có biện pháp ngăn chặn như vậy là trái pháp luật.

Ông Phạm Văn Bẩy, Trưởng phòng TNMT huyện Đồng Hỷ nhận định việc làm hợp đồng mang tên (thỏa thuận) chuyển nhượng là chưa đúng quy định.

Xử lý trách nhiệm, huyện Đồng Hỷ đã yêu cầu UBND thị trấn Trại Cau chấn chỉnh trong công tác quản lý nhà nước nói chung và quản lý đất đai nói riêng phải thực hiện đúng quy trình. Tuy nhiên những đánh giá, nhận định của huyện Đồng Hỷ liên quan đến văn bản (thỏa thuận) chuyển nhượng đất lại bị chính quyền thị trấn Trại Cau; Chủ đầu tư phủ nhận khi khẳng định việc thỏa thuận chuyển nhượng; chứng thực ký, xác nhận khi chưa đầy đủ hồ sơ, pháp lý là không sai.

Có ý kiến cho rằng huyện Đồng Hỷ chưa đánh giá đúng bản chất, tầm quan trọng của sự việc nên việc xem xét trách nhiệm, xử lý vẫn bị xem nhẹ, không đủ sức răn đe, tạo tiền lệ xấu? Khoản 2, Điều 9, Nghị định 23 quy định về quyền, nghĩa vụ của người thực hiện chứng thực cần chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi chứng thực của mình. Vậy trách nhiệm của UBND thị trấn Trại Cau là gì đến nay vẫn chưa được làm rõ khiến dư luận bức xúc.

Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đề nghị UBND huyện Đồng Hỷ xem xét trách nhiệm của ông Vũ Đăng Khoa, nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Trại Cau nói riêng và UBND thị trấn Trại Cau nói chung trong việc chứng thực trái pháp luật khiến dư luận, người dân bức xúc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.

Theo Sở hữu trí tuệ