Dự án ‘Hoàng Thành Pearl’ và thương vụ thâu tóm BTH hoàn hảo của Hoàng Thành

BTH chìm trong thua lỗ, Hoàng Thành bắt đầu thâu tóm từ thương vụ thoái vốn của Gelex

Công ty CP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (BTH) có trụ sở chính tại số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, tiền thân là Nhà máy Chế tạo biến thế thuộc Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) được thành lập từ năm 1963.

Đây là Nhà máy đầu tiên của Việt Nam được thành lập với nhiệm vụ tự thiết kế, chế tạo máy biến áp điện lực để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân.

Đáng chú ý, Công ty CTBT có trụ sở tại khu “đất vàng” số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích khoảng 1,47ha.

Vào tháng 11/2014, Gelex đã thực hiện chủ trương thoái toàn bộ 49,49% cổ phần tại BTH. Công ty CP đầu tư và phát triển hạ tầng Hoàng Thành (Công ty Hoàng Thành) chính là đơn vị mua toàn bộ số cổ phần Gelex thoái, với tổng mức đầu tư 16,3 tỷ đồng (9.400đ/CP).

Một thập kỷ về trước, dù không phải ưu tú nhất, nhưng BTH có thể coi là một “đứa con ngoan” của Tổng công ty Thiết bị Điện (Gelex) với doanh thu đều đặn 80-90 tỷ đồng mỗi năm, cá biệt năm 2008 đạt gần 100 tỷ đồng, lãi sau thuế 5 tỷ đồng cùng tỷ suất ROE ở mức khá (14%). Tuy vậy, doanh thu của BTH giảm nhanh để rồi thua lỗ lớn trong giai đoạn 2012-2014, trong đó riêng năm 2013 lỗ tới 13,5 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính của doanh nghiệp này thể hiện năm 2014 lợi nhuận sau thuế là âm 1,2 tỷ đồng, trong khi đó năm 2013 là âm 3,231 tỷ đồng, năm 2012 âm tới gần 10 tỷ đồng. Đó chính là thực trạng trước động thái thoái vốn kể trên.

Giao dịch được thực hiện vào ngày 17/11/2014, theo phương thức thỏa thuận qua sàn. Bên mua sau đó được xác định là CTCP Đầu tư và Phát triển Hạ tầng Hoàng Thành (Hoàng Thành Group), với mức giá chỉ 9.400 đồng/cổ phần.

Thoạt nhìn, đây là một mức giá không đến nỗi nào, bởi cách đó không lâu, BTH vẫn còn ngụp lặn trong vùng giá 4.000 đồng/cổ phiếu. Kết quả kinh doanh bê bết sau ngày niêm yết đã phảnánh vào giá – dĩ nhiên là một cách lý giải thuận tai.

Hành trình thâu tóm ‘đất vàng’ của Hoàng Thành

Nhắc lại sự việc vào tháng 11/2014 Gelex thoái vốn tại BTH. Công ty Hoàng Thành đã mua lại toàn bộ số cổ phần đó 16,3 tỷ đồng (9.400 đồng/cổ phần) theo phương thức thỏa thuận qua sàn. Tuy nhiên, điều đáng chú ý của thương vụ này nằm ở chỗ bà Nguyễn Thị Bích Ngọc khi đó là thành viên HĐQT tại Gelex, nhưng cũng đồng thời là Chủ tịch HĐQT của Công ty Hoàng Thành.

Như vậy, thương vụ Gelex chuyển nhượng 100% vốn tại Công ty CTBT cho Công ty Hoàng Thành thực chất là chuyển nhượng cho chính doanh nghiệp của thành viên HĐQT Nguyễn Thị Bích Ngọc. Tuy nhiên, lúc này Hoàng Thành mới chỉ sở hữu chưa quá bán tỷ lệ cổ phần tại Công ty CTBT, tức là tỷ lệ chưa nằm quyền chi phối hoàn toàn.

Hoàng Thành còn sở hữu tòa nhà Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, Hà Nội.

Sau đó, nhằm tăng vốn điều lệ từ 35 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng, tháng 1/2018, Công ty BTH đã tiếp tục thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ, với số lượng cổ phiếu đăng ký chào bán là 21.500.000 (cổ phiếu, với giá chào bán 10.000đ/cổ phần.

Kết quả cho thấy toàn bộ số cổ phiếu phát hành đã được bán cho 03 nhà đầu tư. Trong đó Công ty Hoàng Thành tiếp tục mua để nâng tổng số lượng cổ phiếu sở hữu sau đợt chào bán lên 16.250.000 cổ phiếu, tương đương sở hữu 65%; ông Nguyễn Hoa Cương mua tổng số 1.261.300 cổ phiếu để sở hữu 5,05%, ông Hoàng Ngọc Kiên được phân phối 5.732.091 cổ phiếu để sở hữu 22,93%… vốn điều lệ tại doanh nghiệp này.

Đây cũng chính là các nhà đầu tư mà Công ty BTH đã lựa chọn là nhà đầu tư chiến lược từ trước. Như vậy, đến thời điểm này Công ty Hoàng Thành mới sở hữu 65% cổ phần tại CTBT, đồng nghĩa với việc nắm quyền chi phối và quyết định các vấn đề quan trọng của CTBT.

Nhắc lại câu chuyện Công ty CTBT có trụ sở tại khu “đất vàng” số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích khoảng 1,47ha. Câu hỏi đặt ra là điều này có nằm trong tính toán của Hoàng Thành khi kiên trì qua nhiều năm “thâu tóm” xong BTH, thông qua bước thoái vốn quan trọng của Gelex?

Bà chủ Hoàng Thành Group– nữ doanh nhân Nguyễn Thị Bích Ngọc– người đã tham gia cơ cấu quản trị Gelex từ năm 2010 với chức danh Thành viên HĐQT độc lập, hẳn sẽ nhìn thấy những giá trị tiềm ẩn của BTH. Đất có lẽ là một trong số ấy.

“Hoàng Thành Pearl” và câu hỏi cho ý định thực sự của Hoàng Thành

Công ty Hoàng Thành thành lập từ năm 2004, đây là doanh nghiệp phát triển bất động sản có tiếng tại Hà Nội, với việc nhiều dự án như: Hoàng Thành Tower tại 114 Mai Hắc Đế, dự án Mulberryland, hay ParkCity…

Bà Nguyễn Thị Bích Ngọc hiện làm Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành, Chủ tịch HĐQT BTH, nhưng cũng đồng thời là Thành viên HĐQT Gelex. Ông Hoàng Ngọc Kiên và Hoàng Ngọc Quân lần lượt sở hữu 22,93% và 5,16% vốn tại BTH nhưng đều là con trai của bà Nguyễn Thị Bích Ngọc. Còn ông Nguyễn Hoa Cương là nguyên Chủ tịch HĐQT Gelex, người đã thực hiện thương vụ chuyển nhượng cổ phần BTH của Gelex cho Hoàng Thành Group vào năm 2014.

Cập nhật đăng ký của BTH tới ngày 15/1/2020, Công ty Hoàng Thành sở hữu 65% vốn BTH và đóng vai trò là công ty mẹ, ông Nguyễn Hoa Cương sở hữu 5,05% vốn BTH, ông Hoàng Ngọc Kiên sở hữu 22,93% vốn BTH và ông Hoàng Ngọc Quân sở hữu 5,16% vốn BTH.

Như vậy, tổng cộng 4 cổ đông này đã nắm tới 98,14% vốn tại BTH. Với tỷ lệ sở hữu gần như tuyệt đối, nhóm cổ đông này đang nắm giữ hoàn toàn việc chi phối BTH, trong đó có việc triển khai dự án “Hoàng Thành Pearl’s”.

Hiện, Hoàng Thành là nhà phát triển bất động sản uy tín tại Hà Nội với loạt dự án đưa vào sử dụng như tòa tháp Hoàng Thành Tower, hai dự án liên doanh với CapitaLand Singapore là tổ hợp chung cư Mulberry Lane và Seasons Avenue có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, cung cấp cho thị trường hơn 3.000 căn hộ.

Công ty đang tiếp tục triển khai các dự án căn hộ cao tầng và biệt thự như Hoàng Thành Pearl, Hoàng Thành Villas, dự án nhà ở xã hội Đông Anh với quy mô lớn.

Cái tên thương mại Hoàng Thành Pearl của dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tọa lạc trên mảnh đất này phần nào cho thấy ý định thực sự của Hoàng Thành Group trong việc chi ra hơn 16 tỷ đồng để thâu tóm một BTH đang chìm trong thua lỗ năm nào.

Được biết, Công ty CTBT có trụ sở tại khu “đất vàng” số 55, đường K2, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội với diện tích khoảng 1,47ha, được sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thuê và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 2007.

Khu đất tại 55 đường K2, phường Cầu Diễn, Nam Từ Liêm của CTCP chế tạo biến thế và vật liệu điện HN sẽ trở thành dự án BĐS với tên gọi “Hoàng Thành Pearl’s”. Ảnh: khoahocdoisong

Đầu năm 2015, Thủ tướng có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội. Khu đất sau đó được quy hoạch thành đất hỗn hợp. Tháng 10/2017, sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã cấp Giấy phép quy hoạch dự án cho chủ đầu tư là CTBT.

Vậy vì sao khu đất của CTBT, nay lại được Hoàng Thành giới thiệu thành dự án của mình? Câu trả lời không khó để đoán định.

Được biết, tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án là 14.786m2, phần đất xây dựng công trình là 12.776m2, đất mở đường theo quy hoạch là 2.010m2. Quy mô xây dựng một tháp 30 tầng nổi, 3 tầng hầm với trung tâm thương mại, văn phòng và 336 căn hộ, cùng 25 căn liền kề, nhà phố.

Vốn đầu tư dự kiến là 1.107,71 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu 221,54 tỷ đồng (20%), vốn vay và huy động khác là 886,17% (80%). Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ IRR là 10,6%. Giá trị hiện tại thuần NPV ở mức 35,7 tỷ đồng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ