Dự án KDC Nam Tân Uyên: Công ty Nam Á ký hợp đồng sai luật?

Nam Á ký hợp đồng sai luật?

Dự án Khu dân cư Nam Tân Uyên tọa lạc tại đường ĐT756, phường Khánh Bình, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Dự án được giới thiệu do Công ty TNHH Công nghiệp và Đô thị Nam Tân Uyên (Công ty TNHH Nam Tân Uyên) làm chủ đầu tư, dự án có diện tích hơn 51ha, bao gồm 3.700 lô nền, thổ cư 100%.

Tuy nhiên, từ cuối năm 2018, các khách hàng khi mua đất tại dự án này lại được ký “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với công ty CP Phát triển Đô Thị Nam Á (công ty Nam Á) với nhiều điều khoản không rõ ràng. Đông thời, công ty Nam Á cũng là đơn vị thu tiền của khách hàng và được thể hiện bằng phiếu thu.

Như hợp đồng mà công ty Nam Á đã ký với khách hàng, thì khách hàng chỉ phải thanh toán theo tiến độ thi công cơ sở hạ tầng và tiến độ thực hiện pháp lý của dự án. Nếu không để ý thì đây quả là phương thức thanh toán cực kỳ có lợi cho khách hàng.

Nhưng thực tế, tiến độ thanh toán này cũng là một con dao 2 lưỡi dành cho khách hàng. Nếu công ty Nam Á thu tiền của khách hàng ít nhất 40% giá trị hợp đồng góp vốn xong, chủ đầu tư tạm ngưng, không triển khai dự án nữa thì sẽ ra sao? Chủ đầu tư tạm ngưng thực hiện dự án 1 năm, 5 năm, 10 năm hoặc lâu hơn nữa thì lúc này quyền lợi của khách hàng có được đảm bảo???

Hơn nữa, theo Khoản 8, Điều 6 Luật nhà ở quy định về “các hành vi bị cấm”: có nêu rõ: “Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở uỷ quyền hoặc giao cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh, góp vốn hoặc tổ chức, cá nhân khác thực hiện ký hợp đồng cho thuê, thuê mua, mua bán nhà ở, hợp đồng đặt cọc các giao dịch về nhà ở hoặc kinh doanh quyền sử dụng đất trong dự án”.

Cùng với đó, Khoản 5 Điều 13 Luật Kinh doanh Bất động sản, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản thì: “Chủ đầu tư không được uỷ quyền cho bên tham gia hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, hợp tác kinh doanh hoặc góp vốn thực hiện ký hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, cho thuê mua bất động sản”.

Nếu chiếu theo quy định trên thì việc công ty Nam Á ký “hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với khách hàng là sai luật. Điều này khiến dư luận đang đặt ra nghi vấn cho việc công ty Nam Á lấy tư cách gì để đồng ý cho khách hàng hợp tác đầu tư khi không phải là chủ đầu tư dự án? Liệu công ty TNHH Nam Tân Uyên có uỷ quyền cho công ty Nam Á mời gọi khách hàng tham gia hợp tác đầu tư và thu tiền của khách hàng hay không?

Dự án KDC Nam Tân Uyên đến nay vẫn chưa được giao đất và cấp giấy phép xây dựng

Công ty nhà nước mất quyền quyết định tại dự án?

Nói về dự án KDC Nam Tân Uyên, dự án này là một phần nằm trong tổng thể Khu công nghiệp Nam Tân Uyên, được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương từ năm 2003 và UBND tỉnh phê duyệt quy hoạch chi tiết theo quyết định số 6929/QĐ-CT ngày 07/09/2004. Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (giai đoạn 1) thuộc Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên (Công ty CP Nam Tân Uyên) quản lý. Đây là công ty có vốn Nhà nước khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam chiếm 20,42% vốn điều lệ.

Ngày 22/06/2018, Đại hội đồng cổ đông của Công ty CP Nam Tân Uyên đã thông qua nghị quyết thành lập Công ty TNHH Nam Tân Uyên với vốn điều lệ 80 tỷ đồng, 100% vốn là của Công ty CP Nam Tân Uyên.

Đến ngày 26/09/2018, HĐQT Công ty CP Nam Tân Uyên ban hành Quyết định số 041/QĐ-HĐQT-NTC về việc tăng vốn điều lệ Công ty TNHH Nam Tân Uyên từ 80 tỷ đồng lên 400 tỷ đồng. Hình thức tăng vốn điều lệ là huy động vốn từ thành viên mới.

Quyết định này cũng chấp thuận cho Công ty Nam Á góp vốn 320 tỷ đồng vào Công ty TNHH Nam Tân Uyên; Chấp thuận chuyển đổi loại hình doanh nghiệp từ Công ty TNHH MTV sang Công ty TNHH hai thành viên trở lên, cơ cấu vốn điều lệ sau khi chuyển đổi sang công ty TNHH hai thành viên trở lên là Nam Tân Uyên 20%, Nam Á 80%. Ngày 09/10/2018, Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Bình Dương đã ra văn bản chấp thuận đề nghị thay đổi này.

Từ thời điểm này, công ty TNHH Nam Tân Uyên từ doanh nghiệp 100% vốn điều lệ của công ty CP Nam Tân Uyên (công ty có vốn nhà nước), sau quá trình tăng vốn điều lệ, tỷ lệ góp vốn của công ty CP Nam Tân Uyên tại công ty TNHH Nam Tân Uyên chỉ còn 20% và mất đi quyền quyết định tại dự án Khu nhà ở Nam Tân Uyên. Đồng thời, công ty TNHH Nam Tân Uyên từ vai trò là công ty con lại trở thành công ty liên kết của công ty CP Nam Tân Uyên.

Đáng chú ý hơn, sau khi góp vốn vào công ty TNHH Nam Tân Uyên, công ty Nam Á đã thay mặt luôn chủ đầu tư để ký “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với khách hàng. Việc công ty Nam Á thay mặt chủ đầu tư ký “Hợp đồng giữ chỗ và hợp tác đầu tư” với khách hàng lại không đúng theo quy định của pháp luật như đã phân tích ở trên.

Liệu công ty Nam Á đang lợi dung danh nghĩa chủ đầu tư để huy động vốn trái phép? Số tiền thu được từ việc huy động vốn trái phép này đang được công ty Nam Á dùng vào việc gì? Để có câu trả lời thoả đáng, thiết nghĩ rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan có thẩm quyền.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Anh Đức (Theo Sở Hữu Trí Tuệ)