Dự án Mipec Rubik 360: Cao ốc “mọc” trên đất vàng nội đô, đi ngược chỉ đạo Thủ tướng ?

Ngày 23/1/2015 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 130/QĐ-TTg, quyết định nêu rõ, sau khi di dời, quỹ đất của các cơ sở ô nhiễm sẽ được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, cây xanh, bãi đỗ xe, công trình hạ tầng xã hội và kỹ thuật đô thị; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị.
Đồng thời, năm 2012, Luật Thủ đô ban hành cũng quy định rất rõ: “Quỹ đất sau khi di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp… được ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch”. Ngoài ra, quy chế này nhấn mạnh, cần phải đưa ra các “vùng cấm” không cho xây dựng cao tầng hậu di dời.
Tuy nhiên, trên thực tế sau khi di dời một kịch bản đã xả ra, nhiều khu chung cư cao tầng đã được xây dựng hoành tráng. Cụ thể, trên khu đất vàng 122-124 đường Xuân Thủy còn sót lại tại quận Cầu Giấy, dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán hay còn gọi là Mipec Rubik 360 lại được quy hoạch. Rõ ràng điều này đang đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng bởi cung đường Cầu Giấy – Xuân Thủy vốn đã đông đúc sau khi gánh thêm tuyến đường sắt trên cao Nhổn – ga Hà Nội lại thường xuyên xảy ra ùn tắc vào các khung giờ cao điểm.
Đất không qua đấu giá, liệu pháp lý có đủ để xuống tiền mua nhà?
Theo tìm hiểu, khu đất 122 – 124 đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội vốn là trụ sở Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway, thuộc Tổng Công ty vận tải Hà Nội – Transerco. Là doanh nghiệp Nhà nước thuộc sở hữu của UBND TP. Hà Nội.
Theo chủ trương, sau khi Xí nghiệp vận tải du lịch Hà Nội – Neway di dời thì khu đất này sẽ phát triển các công trình công cộng trong bối cảnh đô thị thiếu đất làm hồ điều hòa, cây xanh, trường học… Nhưng không, tại Công văn số 7909/UBND-KHĐT mảnh đất này lại được UBND TP. Hà Nội chấp thuận về nguyên tắc chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy hoạch với diện tích 38.545m2 giao nhà đầu tư lập dự án xây dựng văn phòng giao dịch kết hợp dịch vụ tổng hợp và nhà ở mà không qua đấu giá.
Tiếp tục, đến tháng 8/2018, dự án Khu phức hợp trung tâm thương mại, văn phòng, dịch vụ hội nghị và nhà ở để bán (tên thương mại: Mipec Rubik 360) được UBND TP. Hà Nội cấp Giấy chứng nhận đầu tư với kinh phí là 2.466 tỉ đồng.
Ngày 29/3/2019 dự án Mipec Rubik 360 được động thổ, do Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ Xuân Thủy làm chủ đầu tư. Như vậy, vị trí đất vàng này với tổng diện tích 38.545m2 này “hô biến” thành công từ đất công không qua đấu giá trở thành dự án có quy mô gồm 2 tòa tháp cao 35 tầng với 976 căn hộ và 9 căn biệt thự liền kề. Hiện dự án đang mở bán hai toà chung cư, nhiều căn hộ ở đây đã có chủ. Theo môi giới nhà đất, đây là dự án chung cư cao cấp, nên mức giá từ 42 – 50 triệu đồng/m2.
Liên quan đến vấn đề sử dụng đất công, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành cho rằng: Đối với đất công là các loại đất do nhà nước quản lý, đất do các cơ quan, tập đoàn, công ty quản lý, đất quốc phòng chuyển sang dân dụng thì không được bán, chỉ được định giá, bán hóa giá – cổ phần hóa. Vì thế, đất này cần phải thu về làm đất công, bán đấu giá theo các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc đã được duyệt trước.
Còn Luật sư Lê Văn Hồi – Giám đốc Công ty Luật My Way cho biết, theo quy định tại Điều 9 và Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP của Chính phủ, tùy từng trường hợp cụ thể thì tổ chức, cá nhân sử dụng đất công không đúng mục đích hoặc sử dụng đất công khi không được giao đất, cho thuê đất sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Các trường hợp xử phạt bao gồm: hành vi tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất khi chưa được sự chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; lấn, chiếm đất công và buộc phải khôi phục lại hiện trạng như ban đầu…
Căn cứ vào Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định về việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công, tùy vào mức độ sai phạm, đối với chủ đầu tư hoặc đơn vị chủ quản được giao triển khai các dự án có sử dụng đất công cộng nhưng chậm triển khai dự án, sử dụng đất không đúng mục đích được giao thì cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tiến hành sắp xếp lại xử lý tài sản công bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm; đúng tiêu chuẩn, đúng mục đích sử dụng được Nhà nước giao, đầu tư xây dựng, mua sắm, cho thuê; phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các hình thức sắp xếp lại đối với đất công có thể được áp dụng như thu hồi đất, giao về cho địa phương quản lý.
Cũng theo luật sư Hồi, để quản lý quỹ đất công một cách hiệu quả khi tiến hành giao đất công cho bất cứ tổ chức nào quản lý, sử dụng thì buộc phải tiến hành hoạt động đấu giá công khai theo đúng quy định của pháp luật. Khi đấu giá công khai có thể tìm ra được những đơn vị có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm và có phương án khai thác, quản lý, sử dụng đất công hợp lý nhất để giao, cho thuê đất công.
Ở khía cạnh khác, GS. Đặng Hùng Võ – Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng, giải pháp cần thiết nhất hiện nay là xử lý sai phạm phải triệt để, không có trường hợp nào được miễn giảm. Những công trình sai phạm mọc lên trên đất công phải cương quyết phải đập bỏ dù đã xây dựng kiên cố đến mức nào, tốn kém ra sao. Nếu còn dung túng, nương tay và phạt cho tồn tại trường hợp nào thì tất yếu sẽ tạo ra tiền lệ xấu và không có sức răn đe, dẫn đến sai phạm vẫn tiếp tục sai phạm.
Vậy tại sao đất thuộc sở hữu nhà nước giao cho nhà đầu tư lập dự án lại không đấu giá? Dư luận đặt ra câu hỏi liệu có sự “ưu ái” sai quy định của Thành phố Hà Nội? Pháp lý dự án liệu có đủ vững chắc để những nhà đầu tư xuống tiền? Đây vẫn đang là câu chuyện khiến giới đầu tư bất động sản xôn xao và dư luận quan tâm, thắc mắc.
Theo Doanh Nhân Việt Nam