HoREA kiến nghị nội dung gì liên quan đề xuất “thời hạn sở hữu nhà chung cư”?

Mới đây, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM (HoREA) vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng nên giữ nguyên quy định hiện hành, không nên quy định “thời hạn sở hữu nhà chung cư” đối với tất cả 100% dự án nhà chung cư xây dựng mới, mà nên giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014 công nhận “quyền sở hữu căn hộ nhà chung cư gắn liền với quyền sử dụng đất ở ổn định lâu dài” đối với người mua căn hộ tại các dự án nhà chung cư được sử dụng đất ổn định lâu dài để đảm bảo tính đồng bộ.

Bất động sản - HoREA kiến nghị nội dung gì liên quan đề xuất “thời hạn sở hữu nhà chung cư”?

HoREA kiến nghị người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất.

Trường hợp “sở hữu có thời hạn” thì chỉ nên áp dụng đối với các khu đất do Nhà nước quản lý (đất công) thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án.

Theo ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đề xuất 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 bổ sung quy định mới về thời hạn sở hữu nhà chung cư được xác định căn cứ vào thời hạn sử dụng công trình theo quy định của pháp luật xây dựng.

Phương án 2 là giữ nguyên như quy định hiện hành của Luật Nhà ở 2014 (không quy định thời hạn sở hữu nhà chung cư). Với phương án này, người mua nhà chung cư được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định, lâu dài.

Ông Châu cho biết, HoREA đã nghiên cứu rất kỹ các đề xuất của Bộ Xây dựng trên cơ sở so sánh, đối chiếu với các quy định của Hiến pháp và pháp luật liên quan, tình hình thực tiễn của nước ta cũng như kinh nghiệm một số nước, điển hình như Singapore.

Trên cơ sở đó, HoREA đã có văn bản góp ý gửi Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng, trong đó đề xuất lựa chọn phương án 2.

Theo đó, sẽ có 3 trường hợp sở hữu nhà chung cư như sau: Một là, sở hữu nhà chung cư không xác định thời hạn gắn liền với quyền sử dụng đất ổn định lâu dài.

Hai là, sở hữu nhà chung cư có thời hạn gắn với quyền sử dụng đất có thời hạn. Ba là, sở hữu nhà chung cư có thời hạn theo hợp đồng mua bán căn hộ nhà chung cư có thời hạn không gắn với quyền sử dụng đất.

Lý do, theo ông Châu, nhà ở, căn hộ chung cư là tài sản có giá trị rất lớn đối với người dân và thông thường chủ nhà muốn để lại cho con cháu thừa kế; sâu xa hơn là nhằm khuyến khích người dân đô thị lựa chọn sống trong nhà chung cư phù hợp với Luật Nhà ở 2014 cũng như yêu cầu “đối với đô thị loại đặc biệt, loại 1 và loại 2 thì chủ yếu phát triển nhà chung cư” để sử dụng đất đô thị tiết kiệm, hiệu quả.

Trước đó, Bộ Tư pháp cũng đưa ra ý kiến cho rằng “đề xuất chính sách sở hữu nhà chung cư có thời hạn là “cơ bản đảm bảo” tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.”

Tuy nhiên, theo người đứng đầu HoREA, việc đưa ra cụm từ “cơ bản” có thể vẫn có độ “vênh” nên cần phải được xem xét thật kỹ lưỡng.

Dù vậy, lãnh đạo HoREA cũng dẫn ra một số trường hợp có thể áp dụng theo phương án 1 trên.

Đơn cử như trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất có thời hạn đối với các khu đất do Nhà nước quản lý (đất công) thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất để lựa chọn chủ đầu tư xây dựng nhà chung cư bán cho khách hang thì khách hàng được công nhận quyền sở hữu nhà chung cư có thời hạn.

“Trường hợp này dễ dược xã hội đồng tình nên trước hết là Nhà nước cần sớm thực hiện đấu giá, đấu thầu các khu đất công, để lựa chọn nhà đầu tư xây dựng nhà chung cư sở hữu có thời hạn, tương tự như cách làm của Singapore,” ông Châu nói.

Ngoài ra, HoREA cũng kiến nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), theo hướng: Quy định đất xây dựng khu chung cư là đất ở ổn định lâu dài hoặc đất ở có thời hạn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.