Làm con đường cạnh nhà dân phải tham vấn ý kiến một cách thực chất

Theo chương trình kỳ họp, sáng nay (3/11), Quốc hội sẽ thảo luận tại tổ về dự án Luật Đất đai (sửa đổi). Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội chia sẻ với báo chí về những điều ông kỳ vọng về sửa đổi Luật lần này.

Đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên

Ngày 1/11, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Chính phủ trình Quốc hội lần đầu. Xin ông chia sẻ về kỳ vọng của mình đối với dự án Luật này?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Tôi hy vọng lần sửa đổi này sẽ giải quyết được các bất cập hiện nay về đất đai, tháo gỡ được những “điểm nghẽn” để đưa nguồn lực đất đai vào trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và nâng cao đời sống kinh tế – xã hội của người dân.

Sửa Luật Đất đai có hai mục tiêu lớn: Thứ nhất là, phải đưa đất đai trở thành nguồn lực, động lực như Nghị quyết 18 của Bộ Chính trị đã xác định, hướng đến mục tiêu lớn là đến năm 2045 phải đưa đất nước ta trở thành một nước phát triển có thu nhập cao.

Thứ hai, còn quan trọng hơn là, nguồn lực đất đai phải đáp ứng được yêu cầu phát triển của kinh tế – xã hội trong vòng 10 – 20 năm tới như chiến lược đã đề ra. Ngoài ra, phải đảm bảo hài hòa quyền và lợi ích của các bên gồm người dân, cộng đồng doanh nghiệp và Nhà nước.

Tôi cho rằng đây không chỉ là kỳ vọng của riêng tôi mà cũng là kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp và người dân hiện nay.

Tiêu điểm - Làm con đường cạnh nhà dân phải tham vấn ý kiến một cách thực chất

ĐBQH Phan Đức Hiếu trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội (Ảnh: Hoàng Bích).

Trong số những vấn đề được sửa đổi, bổ sung trongdự án Luật, nhóm vấn đề nào ông đặc biệt quan tâm?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Trong dự án Luật Đất đai (sửa đổi) có rất nhiều nội dung quan trọng như Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội đã đề cập.

Trong đó, tôi quan tâm nhất đến nhóm vấn đề về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Vì đây là một căn cứ quan trọng để phân bổ nguồn lực đất đai cũng như thực hiện thủ tục về đất đai.

Nếu quy hoạch sử dụng đất tốt sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; ngược lại, nếu quy hoạch, kế hoạch không tốt, không hợp lý sẽ trở thành một rào cản, thậm chí là một “điểm nghẽn” trong phân bổ nguồn lực đất đai, gây nên những hệ lụy cho đời sống kinh tế – xã hội. Ví dụ vấn đề “quy hoạch treo” gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng đến đời sống của người dân.

Trong nhóm vấn đề quy hoạch đất đai, tôi quan tâm nhất đến vấn đề tham vấn ý kiến người dân và các bên có liên quan trong lập quy hoạch. Lâu nay trên thực tế tôi nhìn thấy dường như chúng ta làm chưa đúng quy trình này với tầm quan trọng và tính chất của vấn đề tham vấn.

Quy hoạch khi được lập và được phê duyệt sẽ tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế – xã hội của người dân. Ví dụ làm một con đường, xây một công trình bên cạnh nhà dân thì phải tham vấn ý kiến của người dân một cách thực chất và họ phải có cơ hội để thể hiện quan điểm và tiếng nói của mình.

Từ “thực chất” ở đây tôi muốn nhấn mạnh là phải sử dụng cách thức tham vấn thế nào để người dân dễ dàng tiếp cận chứ không phải cách đang làm là đăng tải thông tin quy hoạch trên website hay dán ở cơ quan công quyền.

Đồng thời, cần phải quan tâm là quy hoạch phải đảm bảo sự tương thích giữa quy hoạch của cấp trên, cấp dưới, quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch giữa thời gian trước và sau. Nhưng, hiện nay tôi chưa nhìn thấy tiêu chí nào để xác định thế nào là sự tương thích giữa các quy hoạch. Nếu không xác định được tiêu chí này thì rất khó để điều chỉnh quy hoạch.

Gặp khó khi tiếp cận thủ tục về đất đai

Ông đánh giá như thế nào về việc tiếp cận đất đai đối với các doanh nghiệp hiện nay?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Các điều tra chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) gần đây cho thấy, việc tiếp cận đất đai đối với doanh nghiệp hiện nay vẫn được đánh giá là một trong những thủ tục rất khó khăn.

Theo đó, báo cáo PCI năm 2021 cho biết, đất đai được doanh nghiệp cho là nhóm khó khăn thủ tục thứ hai. 50% doanh nghiệp được điều tra cho rằng họ gặp khó khăn khi tiếp cận thủ tục về đất đai, nghĩa là cứ hai doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp gặp khó khăn về thủ tục này.

Như vậy, nếu giải quyết được những khó khăn rào cản này, tôi kỳ vọng sẽ tạo ra được tác động rất lớn đúng như mục tiêu đã đề ra.

Cũng theo báo cáo PCI năm 2021, cứ hai doanh nghiệp thì có một doanh nghiệp gặp khó khăn khi tiếp cận thủ tục về đất đai.

Tiêu điểm - Làm con đường cạnh nhà dân phải tham vấn ý kiến một cách thực chất (Hình 2).

Tài chính đất đai là một trong những công cụ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất (Ảnh: Hữu Thắng).

Vậy theo ông, những điều chỉnh về vấn đề tài chính đất đai trong dự thảo Luật được thể hiện như thế nào?

ĐBQH Phan Đức Hiếu: Tài chính đất đai là một trong những công cụ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Dự thảo Luật đất đai hiện nay đã bắt đầu tiếp cận tài chính đất đai theo hướng tính lũy kế theo diện tích đất để khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng đất một cách tiết kiệm, có hiệu quả hơn.

Nhưng tài chính đất đai cần phải nhìn nhận nó một cách rộng hơn, tổng quan hơn; không phải chỉ là vấn đề nguồn thu trực tiếp từ việc giao đất, cho thuê hay đấu giá đấu thầu quyền sử dụng đất.

Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề tài chính đất đai trong Luật đất đai (sửa đổi) lần này cần hướng đến việc thúc đẩy tạo ra giá trị gia tăng từ việc sử dụng quyền sử dụng đất. Nếu như chỉ tập trung vào giá cho thuê đất hay giao đất thì có mặt tích cực nhưng cũng có rất nhiều cái tiềm ẩn những nguy cơ gây tác động không mong muốn.

Ví dụ như giá đất tăng dẫn đến chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh tăng, hạn chế cơ hội gia nhập thị trường của những doanh nghiệp nhỏ, làm méo mó thị trường ở chỗ chỉ những doanh nghiệp có khả năng về tài chính mới có thể tiếp cận với đất đai.

Chúng ta cần tư duy cân bằng giữa giá đất và giá trị tạo ra từ đất. Giao đất làm sao từ đấy đó doanh nghiệp làm ăn phát đạt, tạo ra doanh thu, tạo ra lao động… những cái đó tạo ra nguồn thu, đó mới là vấn đề hướng đến.

Xin cảm ơn ông!