Lâm Đồng: Xẻ đồi, bạt núi bán đất nền là tác động nghiêm trọng đến môi trường

Có “bàn tay” của doanh nghiệp BĐS trong phân lô, tách thửa?

Trước tình trạng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có dấu hiệu xẻ đồi, lấp suối để tách thửa, phân lô dưới hình thức xin hiến đất làm đường, ngày 18/5/2021, Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường đã làm việc với đại diện truyền thông Công ty cổ phần đầu tư và phát triển BĐS Khải Hưng (Khải Hưng Corp) – Đơn vị phân phối đất nền tại khu đất được quảng cáo là dự án Sun Valley, xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Khu đất tại xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng được quảng cáo là dự án Sun Valley do Khải Hưng Corp phát triển, phân phối.

Theo đó, vị đại diện này thông tin, Sun Valley thực chất không phải là dự án bất động sản (BĐS) nhưng được phát triển theo tầm nhìn của một dự án, được thực hiện dựa trên quy hoạch Nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng với mục tiêu tạo ra nơi ở ổn định cho người dân trên địa bàn trong tương lai.

Chính vì thế mà Sun Valley không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, không có quyết định chủ trương đầu tư hay quyết định giao đất, giấy phép xây dựng… của cơ quan chức năng như đối với một dự án bất động sản bình thường.

“Sun Valley do một số cá nhân đứng ra hiến đất làm đường rồi tách thửa, phân lô, xin chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất… tất nhiên, lãnh đạo của Khải Hưng Corp cũng có cổ phần ở khu đất này”, đại diện truyền thông Khải Hưng Corp thông tin.

Trước vấn đề phát triển Sun Valley đảm bảo chủ trương mở rộng quỹ đất ở cho người dân bản địa theo quy hoạch Nông thôn mới của UBND tỉnh Lâm Đồng và không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế mà Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định năm 2020, đại diện truyền thông Khải Hưng Corp cho hay, Sun Valley đảm bảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Còn về chủ trương mở rộng quỹ đất ở cho người dân bản địa thì lớp người mua đất nền đầu tiên tại Sun Valley là những nhà đầu tư để kinh doanh lấy dòng tiền.

“Còn xét về khía cạnh môi trường, khi làm mặt bằng bao giờ mình cũng phải san gạt. Nhưng sau khi hoàn thiện thì sẽ cho tái tạo lại cây xanh, thoát nước ra suối. Nước thải của các lô đất trong Sun Valley được xử lý bởi thiết bị chôn dưới đất theo tiêu chuẩn mà Khải Hưng Corp xây dựng”, vị đại diện này cho biết.

Cả một quả đồi rộng khoảng 14 ha bị xẻ, san gạt để làm Sun Valley nhưng Khải Hưng Corp khẳng định không ảnh hưởng xấu tới môi trường.

Được biết, Sun Valley có 500 sản phẩm đất nền với diện tích từ 120 – 1.000 m2/nền, nằm trên cả quả đồi rộng 14 ha ở xã Lộc Quảng, huyện Bảo Lâm. Để thực hiện Sun Valley, cả quả đồi này đang bị san ủi, lấy đi một phần diện tích trồng chè, cà phê của tỉnh Lâm Đồng.

Cách khu vực Sun Valley không xa là khu đất được quảng cáo Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie do Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh làm chủ đầu tư.

Theo thông tin trên một tờ tạp chí chuyên về bất động sản đăng tải ngày 17/5/2021, Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie là một dự án, có quy mô gồm 673 lô đất với diện tích từ 200 – 900 m2/lô.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của Tạp chí Kinh tế Môi trường, Làng sinh thái La Mélodie hiện không có báo cáo đánh giá tác động môi trường, trong quá trình thi công có hiện tượng chủ đầu tư ngăn dòng chảy của suối, xẻ đồi khiến nguy cơ tác động xấu tới môi trường.

Khu đất được quảng cáo là dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie có biểu hiện lấp suối trong quá trình thi công. (Ảnh Reatimes).

Để làm rõ vấn đề này, chiều ngày 19/5/2021, Phóng viên Kinh tế Môi trường đã đến địa chỉ được cho là trụ sở Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh tại 28 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, khi đến địa chỉ này không thấy trụ sở Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh. Một người bảo vệ làm việc tại đây cho biết “không có đơn vị nào có tên Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh”.

Liên hệ qua số điện thoại bàn, một người phụ nữ nghe máy xác nhận là của Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh. Thế nhưng, khi được đề nghị cung cấp địa chỉ chính xác của Công ty thì phóng viên không nhận được câu trả lời cụ thể.

Sai phạm nghiêm trọng?

Nói về thực trạng hiến đất làm đường, phân lô, tách thửa trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường khẳng định, bản chất đây là các dự án bất động sản, các doanh nghiệp đang lợi dụng kẽ hở pháp luật để phát triển kinh tế, gây nguy cơ hủy hoại môi trường trong tương lai. Nếu cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng không kiểm soát chặt, trong tương lai môi trường sẽ bị tàn phá, ảnh hưởng nặng nề.

GS.TSKH Phạm Hoàng Hải, Viện trưởng Viện Môi trường và phát triển bền vững bày tỏ, dù phát triển kinh tế nhưng điều quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo môi trường. Môi trường có tốt thì phát triển kinh tế mới bền vững, đặc biệt đảm bảo đời sống, an sinh – xã hội cho người dân trong vùng.

Vì thế, cần phải xem xét lại tất cả những khu đất đang thực hiện phân lô, tách thửa ở Lâm Đồng sau khi hiến đất làm đường xem có nằm trong quy hoạch hay không. Nếu không nằm trong quy hoạch thì rõ ràng có vi phạm, phải áp dụng các quy định pháp luật để xử lý.

Địa chỉ 28 Mạc Đĩnh Chi, phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM không thấy có trụ sở Công ty cổ phần quản lý và vận hành Thông Minh, đơn vị được cho là chủ đầu tư dự án Làng sinh thái nghỉ dưỡng La Mélodie.

“Thực tế, rõ ràng có thể khẳng định 100% các khu vực đó có vi phạm môi trường. Còn vi phạm thế nào, xử lý rao sao thì cần phải xem xét từng khu vực cụ thể”, GS.TSKH Phạm Hoàng Hải khẳng định.

TS Phạm Khang, Tổng Thư ký Hội Đánh giá tác động môi trường Việt Nam cho biết, theo quy định nếu không phải là dự án thì không phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường. Thế nhưng, cần phải xem xét hành vi khi triển khai những khu đất đó có biểu hiện phá rừng, phá đồi bậy bạ hay không để xử lý.

“Quan trọng là trách nhiệm quản lý của UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND cấp huyện, xã và các Sở, ngành liên quan. Nếu có ý thức bảo vệ môi trường thì chắc chắn không thể không nhìn ra những hệ lụy có thể xảy ra từ việc phân lô, tách thửa tràn lan. Từ đó, sẽ có phương án xử lý cụ thể, triệt để vấn đề này”, TS Phạm Khang bày tỏ.

Trước đó, vào đầu năm 2021, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Trần Văn Hiệp cùng lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trực tiếp kiểm tra một số khu vực san gạt, mở đường, phân lô bán nền ở các khu vực đồi chè nói riêng, đất nông nghiệp nói chung và các “dự án bất động sản lậu”.

Sau khi kiểm tra các hồ sơ liên quan và đi thực địa, ông Hiệp khẳng định việc mở đường trên đất nông nghiệp dựa trên quy định về việc hiến đất là lách luật để tách thửa, phân lô. Những hoạt động mở đường, san gạt, tách thửa tại đồi chè này là sai phạm nghiêm trọng cần được làm rõ. UBND cấp huyện phải chịu trách nhiệm giải quyết tất cả những tồn đọng về quản lý đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn từ trước đến nay.

Theo Tạp chí Kinh tế Môi trường