Làm thế nào để khai thác tài nguyên khoáng sản hợp lý?

Tiếp tục điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản 

Tàu khai thác cát của Hợp tác xã Đoàn Kết (thôn Quỳnh Ngọc, xã Ea Na, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk) bị cơ quan chức năng xử phạt 30 triệu đồng vì hành vi khai thác không có giấy phép. Ảnh: TTXVN phát.

Để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên khoáng sản, Đảng, Nhà nước đã sớm xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tổ chức bộ máy về quản lý tài nguyên.

Theo mục tiêu tổng quát năm 2020, Việt Nam có bước chuyển biến cơ bản trong khai thác, sử dụng tài nguyên theo hướng hợp lý, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Việt Nam trở thành quốc gia khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lý, hiệu quả và bền vững.

Trước mục tiêu này, Chính phủ đã sớm đầu tư cho điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên, địa chất khoáng sản. Tuy nhiên, công tác quản lý tài nguyên đang tồn tại nhiều hạn chế. Công tác quản lý tài nguyên chưa được quan tâm đúng mức; nhận thức về khai thác, sử dụng tài nguyên bất hợp lý, nhất là về mối quan hệ giữa lợi ích trước mắt và lâu dài; chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên còn bất cập, thiếu đồng bộ, thiếu chặt chẽ và chưa sát thực tế; tài nguyên chưa được điều tra, đánh giá đầy đủ tiềm năng, giá trị, một số loại bị khai thác quá mức đến cạn kiệt…

Theo ông Lại Hồng Thanh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam, sau khi có Luật Khoáng sản 2010, Việt Nam đã có định hướng chiến lược đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, nhưng thời gian qua, các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, cũng như chế tài xử phạt vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ sức răn đe. 

Vì vậy, theo PGS.TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách tài nguyên và môi trường, việc sử dụng như thế nào cho tiết kiệm, hiệu quả và bền vững các nguồn tài nguyên, bảo đảm cân đối quỹ đất cho phát triển kinh tế – xã hội, khai thác bền vững sinh thái, cảnh quan, tài nguyên sinh vật… hiện nay đang là vấn đề cốt lõi.

Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần tập trung thực hiện các chương trình, dự án điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên khoáng sản, nước, biển, đất, năng lượng tái tạo; tăng cường công tác chống thoái hóa, ô nhiễm đất và xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, đồng bộ theo từng loại đất gắn với mục đích sử dụng để khai thác hợp lý; phân loại, hoạch định chiến lược, lập quy hoạch bảo vệ bền vững các loại hình tài nguyên chiến lược; nâng cao chất lượng quy hoạch các loại tài nguyên gắn với tác động của biến đổi khí hậu. 

Ngoài ra, cần có định hướng nhập khẩu các loại khoáng sản chiến lược đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế lâu dài; tăng cường chế biến, không xuất khẩu khoáng sản thô, trái phép và tái cơ cấu ngành công nghiệp khoáng sản gắn với chế biến sâu.

Phải biết khai thác tiềm năng, lợi thế từ khoáng sản

PGS.TS Nguyễn Thế Chinh cho rằng: Để quản lý và khai thác bền vững nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia, trước tiên cần kiểm soát được trữ lượng, tiềm năng từng tài nguyên cụ thể.

“Việt Nam cần dự báo thị trường tài nguyên dài hạn. Đơn cử, đối với nguồn tài nguyên khoáng sản là đá vôi, nguyên liệu làm đường, sản xuất xi măng lấy từ đá vôi, hoạt động phát triển du lịch từ các hang động cũng từ đá vôi. Vậy trong 3 thị trường này, nên chọn thị trường nào để phát triển hiệu quả?. Cụ thể, núi đá vôi ở Hải Phòng có những cảnh đẹp, có thể tận dụng phát triển du lịch. Nếu khai thác rỗng, thì sẽ không hồi phục được. Vì vậy, cần có những cách tiếp cận mới như sau khi khai thác mỏ, có thể biến những khu mỏ lộ thiên thành hồ tích trữ nước mưa…", PGS.TS Nguyễn Thế Chinh chia sẻ.

Một giải pháp khác mang tính sống còn đối với tài nguyên khoáng sản của quốc gia được các nhà khoa học nhắc đến là dự trữ để tái đầu tư cho phát triển. Theo ông Lại Hồng Thanh, tài nguyên khoáng sản không đơn thuần là phục vụ cho mục đích khai thác, mà còn là tiềm năng để phát triển du lịch như phát triển cao nguyên đá Đồng Văn, không gian non nước Cao Bằng…

Rõ ràng, việc quản lý, phát triển tài nguyên khoáng sản theo hướng chuyển từ tiềm năng thành động năng là vô cùng cần thiết. Thời gian tới, các doanh nghiệp khai thác mỏ cần khai thác theo hướng bền vững hơn, bởi có khi làm du lịch còn thu lợi được nhiều hơn là khai thác khoáng sản. Nếu làm được như vậy, Việt Nam sẽ dự trữ được tài nguyên khoáng sản, đồng thời mở ra cơ hội phát triển du lịch cho tương lai. 

Nhìn lại Luật Khoáng sản 2010, có thể thấy các doanh nghiệp khai thác khoáng sản đã quan tâm đầu tư hơn tới công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, các mỏ khoáng sản rồi sẽ cạn kiệt, lúc đó sẽ phải đóng cửa mỏ. Vì thế, sau khi đóng cửa mỏ cần chuyển sang bước tiếp theo là phục vụ phát triển du lịch như khu du lịch Bửu Long, tỉnh Đồng Nai.