Liên danh Văn Phú Invest – VCI dự tính ‘chơi lớn’ với dự án 467ha tại Vũng Tàu?

Đề xuất ý tưởng cho 467ha Vũng Tàu

Ngày 19/2/2020, liên danh CTCP Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest – Mã CK: VPI) và CTCP Đầu tư VCI (VCI) đã có cuộc họp với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, đề xuất ý tưởng thực hiện Khu đô thị Hải ĐăngKhu đô thị trung tâm tại sân bay Vũng Tàu hiện hữu.

Đại diện UBND tỉnh, các sở, ngành đều cho rằng 2 ý tưởng trên phù hợp với quy hoạch chung của TP.Vũng Tàu và nhất trí cao ý tưởng do đơn vị tư vấn đề xuất.

Cụ thể, về Khu đô thị Hải Đăng, quy mô gần 267ha, thuộc phường 12, TP.Vũng Tàu, đại diện Viện Nghiên cứu Thiết kế Đô thị (Bộ Xây dựng) đề xuất xây dựng thành khu đô thị sinh thái khép kín phục vụ nhu cầu ở, làm việc, giải trí cho cư dân, các chuyên gia trong và ngoài nước với các tiện ích đồng bộ, cao cấp của khu đô thị mở như: bệnh viện, trường học quốc tế, bến du thuyền, quảng trường, trung tâm thể dục thể thao, tổ hợp khách sạn, thương mại văn phòng.

Đặc biệt, trong khu đô thị trên sẽ giữ nguyên và bổ sung thêm những công trình gắn làng xóm, hiện trạng dân cư hiện hữu như: nhà xã hội, khu tái định cư, không gian cây xanh trên diện tích 60ha.

Về khu đất 200ha sân bay Vũng Tàu, đại diện Viện Nghiên cứu Thiết kế Đô thị (Bộ Xây dựng) đề xuất xây dựng thành khu đô thị trung tâm với các phân khu dịch vụ thương mại hỗn hợp, trung tâm tài chính và công nghệ, trường học, công viên, phố đi bộ, trung tâm mua sắm, thương mại, nhà ga, viện nghiên cứu công nghệ, khu starup, trung tâm điều hành đô thị thông minh, làng công nghệ, tổ hợp văn phòng thương mại theo hướng cao cấp, tiếp nhận 10.000 dân.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Hồng Lĩnh ủng hộ ý tưởng của đơn vị tư vấn, đồng thời đề nghị đơn vị tư vấn lưu ý tính toán phương án giao thông kết nối hợp lý, cân đối phân khu thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, giới chuyên gia đến sinh sống, làm việc.

Bí thư Tỉnh ủy đề nghị UBND tỉnh đưa 2 dự án trên vào danh mục dự án trọng điểm để thúc đẩy tiến độ.

Trước đó vào tháng 10/2019, liên danh Văn Phú – Invest và VCI đã xin nghiên cứu, lập quy hoạch và đầu tư sân bay Gò Găng; nghiên cứu, lập quy hoạch và đề xuất dự án đầu tư tại khu đất sân bay cũ thuộc TP Vũng Tàu.

Đảo Gò Găng.

Dự án sân bay Gò Găng được quy hoạch xây dựng nhằm phục vụ kế hoạch di dời sân bay Vũng Tàu hiện hữu tại phường 9, TP Vũng Tàu. Kinh phí xây sân bay mới khoảng 1 tỉ USD.

Hai phương án đầu tư được đưa ra là bán đất sân bay cũ để lấy kinh phí. Phương án thứ nhất, đầu tư theo hình thức PPP (đối tác công tư, nhà nước và tư nhân cùng làm) hoặc BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao).

Phương án thứ hai, nhà đầu tư thực hiện hoàn thiện sân bay tại Gò Găng sau đó được khai thác, sử dụng quỹ đất sân bay hiện hữu để hoàn vốn hoặc được quyền khai thác sân bay trong một thời gian nhất định.

Theo quy hoạch dự kiến điều chỉnh thì khu vực sân bay Gò Găng là một trong tám phân khu chức năng tại Đảo Gò Găng.

Cụ thể, phân khu này bao gồm: khu vực xây dựng các nhóm nhà ở, khu vực xây dựng các công trình chức năng hỗn hợp, khu vực xây dựng các công trình công cộng, khu vực công viên cây xanh và không gian mặt nước cảnh quan, khu vực xây dựng các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, khu vực công viên thể thao giải trí, khu vực sân bay Gò Găng và các dịch vụ sân bay, khu trung tâm nghề cá tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.

Theo đồ án quy hoạch được phê duyệt, Đảo Gò Găng có diện tích toàn khu 1.350ha, dân số dự kiến khoảng 24.300 người, đất xây dựng đô thị 823ha, tầng cao tối đa 13 tầng,… Phạm vi quy hoạch Đảo Gò Găng thuộc địa phận xã Long Sơn, thành phố Vũng Tàu, được giới hạn bởi phía Bắc giáp Sông Rạng; phía Tây giáp sông Chà Và; phía Đông và Nam giáp sông Dinh.

Về liên danh đình đám CTCP Đầu tư Văn Phú (Văn Phú Invest – Mã CK: VPI) và CTCP Đầu tư VCI (VCI)

Văn Phú – Invest là cái tên khá nổi trên thị trường bất động sản Việt Nam. Với hơn 16 năm kinh nghiệm, công ty này đang sở hữu một quỹ đất rộng lớn tại Hà Nội và TP.HCM.

Được thành lập năm 2003, tiền thân của Văn Phú – Invest là chi nhánh Công ty đầu tư xây dựng và kinh doanh nhà Quảng Ninh do Nhà nước làm chủ sở hữu tại Hà Nội. Năm 2008, doanh nghiệp này cổ phần hóa, chuyển thành công ty cổ phần và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, hoạt động trong các lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án, quản lý và kinh doanh bất động sản. Chủ tịch HĐQT là ông Tô Như Toàn.

Vào tháng 11/2017, Văn Phú – Invest chính thức lên sàn chứng khoán Hà Nội, sau đó chuyển sang Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM vào tháng 6/2018 với mã giao dịch là VPI. Tính đến phiên giao dịch 24/2, cổ phiếu VPI đạt 41.800 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa khoảng 6.688 tỷ đồng.

Có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước, Văn Phú – Invest đã tận dụng lợi thế này để tích lũy đất thông qua việc triển khai các dự án BT. Hiện công ty đang thực hiện hai dự án BT là Dự án xây dựng đường vành đai 2 tuyến Gò Dưa – Phạm Văn Đồng (TP.HCM) và Dự án các tuyến đường giao thông kết nối hạ tầng khu đô thị, dân cư quận Hà Đông (Hà Nội).

Dự án BT tại TP.HCM mang lại cho Văn Phú 3,16ha đất tại các quận trung tâm của TP.HCM. Các khu đất này dự kiến được phát triển các dự án cao tầng. Còn dự án BT tại Hà Đông được cân đối bằng sáu khu đất tại các phường của quận Hà Đông.

Văn Phú – Invest có mức vốn hóa trên thị trường khoảng 6.600 tỉ đồng. Năm 2019, Văn Phú – Invest đạt lợi nhuận 526 tỉ đồng, tăng trưởng 21% so với năm trước. Tính đến ngày 31/12/2019, tổng tài sản của Văn Phú – Invest đạt mức 8.967 tỉ đồng tăng 33,4% so với năm 2018, vốn chủ sở hữu đạt 2.706 tỉ đồng.

Trong khi đó, đối tác liên doanh của VPI – CTCP Đầu tư VCI (VCI) đã hoạt động hơn 9 năm (thành lập vào ngày 5/3/2010), đóng trụ sở tại Số 177 phố Trung Kính, Phường Trung Hoà, Quận Cầu Giấy – Hà Nội.

Theo tìm hiểu, vốn điều lệ VCI đã tăng thần tốc trong năm 2017, từ mức 181 tỉ đồng lên 500 tỉ đồng và tiếp tục tăng lên 700 tỉ đồng từ 21/7/2017. Đến tháng 9/2018, cơ cấu cổ đông của VCI bao gồm năm nhà đầu tư cá nhân. Trong đó, ông Lê Tiến Thắng góp 642,488 tỉ đồng tương đương 91,784% vốn của VCI.

VCI cũng được biết đến là chủ đầu tư khu nhà ở đô thị Mountain View tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự án có tổng diện tích 13,3ha, được định giá hơn 483,3 tỉ đồng.

VCI được thành lập ngày 5/3/2010, có trụ sở chính tại Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc, với ngành nghề chính là kinh doanh bất động sản. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là ông Đỗ Ngọc Quý (sinh năm 1982).

Ngoài ra, ông còn là Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc. Dù vậy, cơ cấu cổ đông cho thấy ông Quý không phải chủ nhân thực sự của doanh nghiệp. Cụ thể, tính đến tháng 9/2018, ông Lê Tiến Thắng đang là cổ đông lớn nhất khi nắm đến 91,784% vốn VCI.

Dữ liệu cho thấy, ông Lê Tiến Thắng (sinh năm 1977) đang làm người đại diện theo pháp luật, kiêm Tổng giám đốc chi nhánh CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái), đơn vị sở hữu 65% vốn dự án BOT Cai Lậy.

Trước đây, ông từng đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Bắc Ái, song đã nhường vị trí này cho ông Nguyễn Tiến An (sinh năm 1992) vào tháng 3/2017. Ngoài ra, ông Thắng cũng đang nắm 90% vốn Bắc Ái.

Ngoài sự liên hệ ít nhiều tới trạm BOT Cai Lậy đình đám, VCI cũng được biết đến là chủ đầu tư dự án Khu nhà ở đô thị – Mountain View tại xã Định Trung, TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Tổng diện tích 13,3 ha. Theo định giá, dự án có tổng giá trị hơn 483,3 tỷ đồng.

Văn Phú – Invest – 1 trong 2 chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy

Công ty CP đầu tư Văn Phú – Invest (gọi tắt là VPI) là cái tên đã đồng hành cùng Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư xây dựng Bắc Ái (Bắc Ái) – chủ đầu tư “kín tiếng” của BOT Cai Lậy trong một dự án hợp tác công tư (PPP) tầm cỡ trên địa bàn TP. HCM.

Đó là dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa (Quốc lộ 1), quận Thủ Đức, theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Thực tế, dự án BT trên chỉ là một trong rất nhiều các dự án PPP mà VPI đã tham gia. Có thể kể đến Dự án 129 Đinh Tiên Hoàng (Quận Bình Thạnh) 1.089 tỷ đồng, hoàn thành năm 2020; Dự án 132 Đào Duy Từ (Quận 10) có vốn 362 tỷ đồng, hoàn thành năm 2019.

Ngoài ra còn có Dự án 42 Trương Định (Quận 3) vốn 42,6 tỷ; dự án 12 Kỳ Đồng (Quận 3) vốn 122,5 tỷ đồng; Dự án 234 Lý Tự Trọng (Quận 1) vốn 98 tỷ hay Dự án 582 Kinh Dương Vương (Quận Bình Tân) vốn 161 tỷ đồng.

Có thể nói rằng, xét riêng trong lĩnh vực đối tác PPP, VPI còn ở một tầm rất khác so với Bắc Ái. Theo công bố, tính đến thời điểm hiện tại, VPI đã trực tiếp lưu danh tại ít nhất 6 dự án PPP, gồm 05 dự án BT và 01 dự án BOT. Các dự án tập trung chủ yếu ở khu vực Thủ đô. Chỉ có duy nhất dự án đầu tư Xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa được triển khai ở TP. HCM.

Thông qua các dự án “đổi đất lấy hạ tầng” này, VPI đã đem về cho mình một quỹ đất ấn tượng tại Sài Gòn và đặc biệt là Hà Nội – thành phố vẫn được mệnh danh là đô thị có giá địa ốc đắt bậc nhất thế giới.

Được biết, Văn Phú Invest và Bắc Ái vào cuối tháng 11/2016 đã thành lập liên doanh CTCP Văn Phú Bắc Ái có vốn điều lệ 150 tỷ đồng, trong đó Bắc Ái góp 35%, Văn Phú Invest góp 60%.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ