Lightland Hải Tiến – Thanh Hóa và nguy cơ mất trắng với khách hàng

Chủ đầu tư đang phá vỡ hợp đồng với UBND huyện Hoằng Hóa

Dự án Khu dân cư thương mại và chợ Vực được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt lựa chọn nhà đầu tư giao cho Công ty Cổ phần đầu tư Lightland (Công ty Lightland) theo Quyết định số 3714/QĐ-UBND ngày 17/09/2019. Dự án được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất đợt 1 tại Quyết định số 3552/QĐ-UBND ngày 27/8/2020.

Khu dân cư thương mại và chợ Vực – Lightland Hải Tiến tại xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Mặc dù khối lượng công việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật là rất lớn để đủ điều kiện mở bán nhưng Chủ đầu tư dự án – Công ty Cổ phần đầu tư Lightland đã thực hiện bán các sản phẩm của dự án thông qua 2 kiểu hợp đồng giao dịch lần lượt là “Đơn đăng ký nguyện vọng”“Văn bản thỏa thuận”. Đáng chú ý, trong văn bản còn nêu rõ dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.

Không những thế, tại văn bản còn có điểm “chết” có thể gây khó cho khách hàng. Tại mục cam kết: Trường hợp khách hàng không ký kết Hợp đồng Chuyển nhượng Quyền sử dụng đất khi đủ điều kiện pháp lý theo thông báo của Chủ đầu tư thì được hiểu là khách hàng không còn nguyện vọng mua Ô đất. Chủ đầu tư được toàn quyền chào bán, bán, chuyển nhượng Ô đất và khách hàng sẽ chịu mất khoản đăng ký nguyện vọng mua (tiền đặt cọc – PV).

Để thực hiện dự án Khu dân cư thương mại và chợ Vực, xã Hoằng Ngọc, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Công ty Lightland đã ký kết với UBND huyện Hoằng Hóa hợp đồng thực hiện đầu tư dự án số 01/UBND/2019/HĐ-ĐTDA ngày 16/10/2019 về việc thực hiện đầu tư dự án có sử dụng đất, dự án Khu dân cư thương mại và chợ Vực.

Hợp đồng thực hiện đầu tư dự án Khu dân cư thương mại và chợ Vực giữa UBND huyện Hoằng Hóa và Công ty Lightland

Cụ thể, Tại Điều 16 về Chuyển nhượng dự án, huy động vốn và kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai: Nhà đầu tư huy động vốn phải đảm bảo tuân thủ các quy định tại Luật Nhà ở, Nghị định số 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ, Thông tư số 19/2016/TT-BXD ngày 30/6/2016 của Bộ xây dựng và các quy định hiện hành của pháp luật Nhà nước có liên quan;

Nhà đầu tư có quyền Kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai theo quy định Luật kinh doanh bất động sản, Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ và các quy định hiện hành của pháp luật Nhà nước có liên quan.

Luật sư phân tích những rủi ro khách hàng có thể gặp phải

Để có những thông tin và cái nhìn khách quan nhất về những rủi ro dành cho khách hàng nếu như thực hiện những giao dịch bất động sản thông qua những loại hợp đồng không phải là hợp đồng mua bán, tức là ở thời điểm dự án chưa đủ điều kiện bán hàng.

Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt phân tích: Đã xác định chưa đủ điều kiện kinh doanh bất động sản thì có nghĩa là giấy tờ pháp lý của dự án chưa đầy đủ. Do đó, việc khách hàng mua/nhận chuyển nhượng là không thể, chủ đầu tư cũng không được phép bán/chuyển nhượng. Một số trường hợp các chủ đầu tư lách luật ký kết các hợp đồng vay vốn, góp vốn để huy động tiền từ khách hàng thì đây là những hình thức giao dịch có nhiều rủi ro có thể dẫn đến mất tiền.

Luật sư Tạ Văn Phú – Giám đốc Công ty Luật Ánh Sáng Việt .

Rủi ro tiềm ẩn là thế, nhưng tại sao chính quyền địa phương không ngăn chặn hay đưa ra khuyến cáo cho khách hàng? Phải chăng do chính quyền nơi đây không hề biết đến việc này?

Để khách quan thông tin, phóng viên Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử đã có trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Lê Sỹ Nghiêm – Chủ tịch UBND huyện Hoằng Hóa, ông Nghiêm cho biết: “Anh sẽ giao cho bộ phận chuyên môn kiểm tra và làm việc với họ (Chủ đầu tư –PV)”.

Về phía Công ty Lightland, phóng viên đã cố gắng liên hệ với đơn vị này với mong muốn có được những thông tin khách quan nhất về việc làm báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) và bán hàng thông qua các hợp động lạ này. Tuy nhiên, đã hơn 1 tháng kể từ khi phóng viên liên hệ đặt lịch làm việc phía Công ty liên tục né tránh trả lời, cung cấp thông tin cho Báo chí.

Môi trường và Đô thị Việt Nam điện tử sẽ tiếp tục thông tin.