Loạt công trình sai phạm xây dựng ở phường Hàng Buồm: Buông lỏng quản lý!

Chúng tôi nhận được phản ánh tình trạng nhức nhối xây dựng vi phạm tại địa bàn UBND phường Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội) đặc biệt là công trình số 50 Lương Ngọc Quyến và công trình số 11-13 Nội Miếu mà không bị chính quyền xử lý.

Công trình sai phạm xây dựng ở Hàng Buồm

Theo quyết định ban hành 6398/QĐ-UBND về quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc khu phố cổ Hà Nội,trong đó có ghi danh mục 79 tuyến phố và 83 ô phố tại khu phố cổ được quy định chi tiết về mật độ tối đa 70%,số tầng cao được phép xây dựng và khoảng lùi công trình.

Tuy nhiên,bất chấp quy định trên UBND phường Hàng Buồm tiếp tay cho các công trình xây dựng lên cao thoả thích phá vỡ nghiêm trọng như công trình 11-13 Nội Miếu lên tới 9-10 tầng.

Không dừng lại ở đó, công trình số 50 Lương Ngọc Quyến cũng được hoàn thiện dù có vi phạm về trật tự xây dựng.

Trong bối cảnh hiện nay, quản lý xây dựng và các công trình sai phép đang là được siết chặt ,liệu UBND phường Hàng Buồm có đang thờ ơ buông lỏng quản lý để vi phạm xảy ra trên địa bàn.

Xác định nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vi phạm trật tự xây dựng kéo dài là do việc phát hiện vi phạm không kịp thời, thậm chí có biểu hiện bao che làm ngơ của không ít cán bộ cơ sở, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh: “Trách nhiệm này thuộc về chính quyền các cấp, UBND thành phố và cả Chủ tịch UBND thành phố”.

Theo ông Chung, đến nay, toàn thành phố đã có 98 cán bộ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch xã, phường bị kỷ luật và cách chức, nhiều cán bộ thanh tra bị xử lý vì để xảy ra vi phạm.

Chỉ tính riêng năm 2018, Sở Xây dựng Hà Nội xử lý kỷ luật 28 công chức Thanh tra xây dựng, UBND thành phố kỷ luật 41 cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có 20 Chủ tịch, 11 Phó Chủ tịch bị xử lý từ khiển trách đến cách chức).

Thậm chí, trường hợp có dấu hiệu tội phạm làm giả giấy tờ, hợp pháp hóa những sai phạm đã chuyển Công an thành phố xử lý nghiêm.

Trường hợp vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp và đất công ích, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cũng kiến nghị kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của một số Chủ tịch UBND cấp huyện, xã; tạm dừng điều hành với 7 Chủ tịch xã; 61 công chức địa chính.

“Với các vi phạm sau 1/1/2014, Sở tiếp tục xử lý nghiêm, dứt điểm chứ không thể “chạy theo” vi phạm”, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết.

Có thể thấy rằng, bên cạnh hàng loạt những nguyên nhân khách quan còn có không ít trường hợp đến từ lỗi chủ quan, cố ý của cán bộ có thẩm quyền.

Cùng với đó là quy trình, quy định, thủ tục, trình tự xử lý vi phạm còn nhiều điểm bất cập, chưa hợp lý, chưa đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật đối với cả đối tượng vi phạm và cán bộ thực thi pháp luật.

Trách nhiệm thuộc về ai trong những sai phạm này chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin ở bài sau.

Theo Sở hữu trí tuệ