Loạt dự án đất vàng tại Hà Nội vướng vào những sai phạm nào?

Cụ thể, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra và đi tới kết luận tại 38 dự án ở vị trí ‘đất vàng’ tại Hà Nội. Đáng chú ý có tới 20 dự án vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều dự án khác phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần…

Phá vỡ quy hoạch liên quan đến cơ quan có thẩm quyền?

Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ từng ký Quyết định 1259 phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050. Theo định hướng, UBND TP.Hà Nội đã tổ chức lập 68 đồ án, bao gồm: 35 đồ án quy hoạch phân khu và 33 đồ án quy hoạch chung.

Tuy nhiên, việc triển khai chậm đã làm ảnh hưởng nhiều tới công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, phá vỡ quy hoạch, gây quá tải cho mạng lưới giao thông và hạ tầng ở một số khu vực.

Theo kết luận thanh tra 20/38 dự án vi phạm về trật tự xây dựng, nhiều dự án khác phải điều chỉnh cục bộ nhiều lần.

Thậm chí, nhiều dự án điều chỉnh sai phạm còn có liên quan đến cơ quan có thẩm quyền.

Sakura Tower khởi công trước khi thành phố chuyển mục đích sử dụng đất

Cụ thể, Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội đồng ý điều chỉnh tổng mặt bằng và phương án kiến trúc đối với dự án Phát triển nhà Phong Phú – Daewon Thủ Đức tại 378 Minh Khai nhưng không phù hợp với quy hoạch phân khu: Không đảm bảo diện tích đất cây xanh khu đất, phần này bị giảm từ 7.600 m2 xuống còn 2.573,7 m2; tại dự án Tổ hợp khách sạn, thương mại, văn phòng và nhà ở thấp tầng tại 107 Xuân La (Q.Bắc Từ Liêm).

Bộ Xây dựng đã bị Thanh tra chỉ ra từng có văn bản hướng dẫn chủ đầu tư Công ty cổ phần đầu tư An Lộc thuộc đối tượng miễn giấy phép xây dựng đối với khu nhà ở thấp tầng, trái quy định pháp luật.

Sở Xây dựng bị “gọi tên” bởi cấp phép xây dựng theo phương án kiến trúc cho 10 dự án có thêm các tầng kỹ thuật không đúng với quy hoạch đã được phê duyệt.

Ngoài ra, còn là sai phạm tại dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ, công cộng – Sakura Tower tại 47 Vũ Trọng Phụng (Q.Thanh Xuân) do chủ đầu tư khởi công trước khi được UBND TP.Hà Nội chuyển mục đích sử dụng đất; trước khi cấp giấy phép xây dựng.

Bỏ qua bước đấu giá đã giao đất

TTCP đã kết luận việc giao đất không qua đấu giá tại nhiều dự án là sai phạm. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào tháng 12/2010 yêu cầu các doanh nghiệp có quyền sử dụng đất cũ phải di dời được phép hợp tác đầu tư với nhà đầu tư khác để thực hiện dự án.’

Song UBND TP Hà Nội không có văn bản hướng dẫn và quy định cụ thể. Do đó, các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi đưa vị trí đất vào hợp tác liên doanh thành lập pháp nhân mới làm chủ đầu tư để chuyển mục đích sử dụng đất đã xác định giá trị lợi thế thương mại chưa sát với thị trường.

Trong đó, một số doanh nghiệp khi lựa chọn nhà đầu tư đưa lợi thế đất để đấu giá đã thu về cho Nhà nước số tiền lớn như: dự án 31 Láng Hạ (514,9 tỉ đồng), dự án phát triển nhà Phong Phú – Deawon – Thủ Đức tại 378 Minh Khai (312,9 tỉ đồng).

Tuy nhiên, quá trình thanh tra đã phát hiện doanh nghiệp khác không tổ chức đấu giá lựa chọn nhà đầu tư (tự thỏa thuận theo hình thức hỗ trợ) nên thu về số tiền thấp như: dự án số 1 Phùng Chí Kiên, dự án tại 365A Minh Khai, dự án 167 Thụy Khuê, dự án 69 Vũ Trọng Phụng, dự án CTCP Dệt Mùa Đông tại 47 Nguyễn Tuân, dự án CTCP Dụng cụ số 1 tại 108 Nguyễn Trãi, dự án 44 Yên Phụ, dự án 430 Cầu Am,…

Dự án tại lô đất C3 là một phần dự án Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính (quận Cầu Giấy). Khu đất sạch đã có hạ tầng được xây dựng bằng ngân sách nhà nước. Nhưng năm 2009, UBND Hà Nội thu hồi và giao cho chủ đầu tư thực hiện dự án không qua hình thức đấu giá.

Điều này vi phạm khoản 1, điều 58 Luật Đất đai 2003 và vi phạm Quyết định số 216/2005 của Thủ tướng.

Dự án chậm tiến độ, không thực hiện

Thanh tra Chính phủ đã kết luận rằng trong 38 dự án có 4 dự án chậm đưa đất vào sử dụng so với kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, UBND Hà Nội không hiểu vì lý do gì chỉ xác định 1 dự án chậm tiến độ tại 47 Nguyễn Tuân với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Ba dự án còn lại UBND TP.Hà Nội không thực hiện gồm: dự án tại 31 Láng Hạ, dự án tại 108 Nguyễn Trãi và dự án chung cư để bán và văn phòng cho thuê tại đường Ngụy Như Kon Tum do Tổng công ty Thành An (Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư.

Việc này đã gây thất thu ngân sách Nhà nước và vi phạm khoản 4, Điều 2 Nghị định 135/2016 của Chính phủ.

Tổng cộng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra là 3.974 tỉ đồng, ngoài ra chủ đầu tư dự án còn nợ đọng khoảng gần 2.000 tỉ đồng.

TTCP đề nghị xử phạt kinh tế và yêu cầu các cơ quan kiểm điểm trách nhiệm cá nhân và thẩm định lại các dự án.

Theo Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam