Nhà ‘quan tài’ ở Hồng Kông, Nhật Bản và bài học xương máu cho người đô thị

Đây cũng được cảnh báo là viễn cảnh của nhiều đô thị đất chật, người đông trong tương lai.

Sống như chết trong nhà “quan tài”

Tại Hồng Kông, đô thị phồn hoa bậc nhất thế giới, bên cạnh những tòa nhà chọc trời hào nhoáng, có những căn nhà chỉ rộng chưa đầy 5m2. Người ta gọi đó là nhà “quan tài”. Chúng nhỏ hẹp đến nỗi chỉ để vừa chiếc giường đơn, bếp và toilet là một. Tất cả mọi sinh hoạt từ ăn, ngủ đến vệ sinh đều diễn ra trong không gian chật chội đến đứng thẳng người còn khó.

Nhưng đó chưa phải giới hạn cuối cùng. Vì không đủ tiền, nhiều lao động nghèo tại Hồng Kông phải chấp nhận sống trong những “quan tài” siêu nhỏ với diện tích 1,5m2, chỉ vừa đủ cho một người nằm ngủ, với phí thuê 300 USD/tháng.

Ước tính, khoảng 200.000 người Hồng Kông đang phải chịu cảnh nghẹt thở trong những ngôi nhà “quan tài” bí bách, theo Business Insider. Cùng với đó là gần 300.000 người đã nộp đơn đăng ký nhà ở xã hội. Giải pháp của chính quyền Hồng Kông là lấn biển, xây đảo nhân tạo. Nhưng đó là kế hoạch của 20 – 30 năm nữa.

Tại Hồng Kông, đất ở khan hiếm đến mức giá bán được tính trên đơn vị 0,1m2, thay vì m2 như thường thấy. Người dân ở đây muốn mua nhà cần phải tiết kiệm tới 21 năm mà không chi tiêu. Tất nhiên, giá nhà năm sau luôn phá vỡ kỷ lục năm trước.

Từng bị Liên hợp quốc lên án là “một sự sỉ nhục đối với phẩm giá con người”, thế nhưng “nhà quan tài” vẫn là nơi sinh sống của khoảng 200.000 thị dân Hongkong.

Nhà “quan tài” cũng là vấn nạn tại Nhật Bản và Hàn Quốc – hai cường quốc về kinh tế với thu nhập bình quân đầu người vào hàng cao nhất thế giới. Từ năm 2013, nhiều cư dân Tokyo (Nhật Bản) đã phải trả 600 USD/tháng cho những “căn hộ” không thậm chí không đủ chỗ để duỗi chân. Trong khi đó, hình ảnh cả gia đình 4 thành viên chen chúc dưới tầng hầm tối tăm của một khu nhà cho thuê trong bộ phim “Ký sinh trùng” cũng hoàn toàn không phải sự cường điệu so với thực tế xã hội Hàn Quốc.

Theo dự báo, một “cuộc chiến nhà ở” sắp bùng nổ khi đến năm 2050 sẽ có khoảng 2,5 tỷ người chen chúc trong các đô thị khắp toàn cầu. Khi đó, không chỉ làm việc chung, viễn cảnh phải chấp nhận sống chung với những người lạ mặt cũng không xa vời.

Cơ hội sở hữu nhà ngày càng hẹp dần

Hiện trạng bi đát của nhiều người dân Hồng Kông, Nhật Bản hay Hàn Quốc có thể xem là một bài học xương máu cho các cư dân đô thị tại Việt Nam. Quỹ đất ở ngày một khan hiếm cùng với việc các quy định về cấp phép xây dựng ngày một thắt chặt trong khi dân số đô thị tăng nhanh chưa từng thấy là những nguyên nhân khiến cơ hội sở hữu nhà ở của người dân Việt Nam ngày một hẹp dần.

Theo Tổng cục Thống kê, mỗi năm, dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 160.000 người, tương đương với một huyện lớn. Trong khi đó, bình quân mỗi năm TP.HCM đón thêm 183.000 cư dân mới, bằng dân số của một quận.

Dân số gia tăng chóng mặt, trong đó phần lớn là người nhập cư, dẫn đến nhu cầu thực về nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM cũng tăng theo. Việc sở hữu nhà ở giúp người dân có thể sống ổn định, được chính thức hóa hộ khẩu tại thành phố, từ đó có thể hưởng được nhiều phúc lợi xã hội cho bản thân và con cái. Ngược lại, khi chưa có nhà, nhiều người thậm chí phải hoãn lại những việc trọng đại như kết hôn hay sinh con.

Theo các báo cáo nghiên cứu thị trường, giá nhà tại TP.HCM và HN vẫn tăng 10 -15% do thiếu hụt nguồn cung và được dự báo sẽ tiếp tục tăng giá trong thời gian tới.

Đặc biệt, khác với thế giới, thị trường bất động sản tại Việt Nam luôn tăng trưởng phi mã do tâm lý “an cư thì mới lạc nghiệp”, “sống có nhà, già có mồ” của người dân. Với người Việt, ngôi nhà không chỉ đơn thuần là nơi cư trú mà còn là loại tài sản có giá trị ổn định, lâu dài, phù hợp nhu cầu “ăn chắc mặc bền”, đồng thời, còn là “thể diện” của đại đa số người dân.

“Người Việt thường có tâm lý cầm tiềm tỷ trong tay nhưng ở nhà đi thuê thì cũng không yên tâm bằng sở hữu một căn chung cư dù phải vay mượn”, chuyên gia tâm lý Nguyễn Thu Hương lý giải.

Trong khi đó, chưa khi nào nguồn cung nhà ở giảm mạnh như thời gian qua. Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), năm 2019, thị trường Hà Nội chỉ có 58 dự án đủ điều kiện bán hàng, giảm hơn một nửa so với 115 dự án của năm 2017. Thị trường TP.HCM cũng không khả quan hơn khi khoảng 2 năm trở lại đây gần như không có dự án mới nào được phê duyệt. Trung bình, nguồn cung mới ra mỗi thị trường chỉ đạt khoảng 2.000 sản phẩm/quý.

“Đây là con số quá nhỏ nhoi cho những đô thị gần mười triệu dân”, VARS đánh giá. “Do khan hiếm nguồn hàng trong bối cảnh lượng cầu rất cao nên giá căn hộ tại cả Hà Nội và TP.HCM đều tăng vọt.”

Tổng kết cho thấy, trong 5 năm qua, giá nhà tại Việt Nam đã tăng theo chiều thẳng đứng. Nếu như năm 2015 giá căn hộ hạng A chỉ khoảng 45 triệu đồng/m2, thì đến năm 2019 đã lên mức 70 – 80 triệu đồng/m2; căn hộ hạng B tăng từ 21 triệu đồng/m2 lên 36 triệu đồng/m2 và căn hộ hạng C tăng từ 16 triệu đồng/m2 lên 25 triệu đồng/m2. Ở phân khúc đất nền, giá còn tăng sốc hơn khi trong vòng 5 năm qua đã lên gấp đôi, thậm chí, có chỗ tăng hơn 200%.

“Thử tưởng tượng, bây giờ có 3 tỷ trong tay, hoàn toàn có thể sở hữu một căn hộ 3 ngủ hạng sang tại những khu đô thị đầy đủ tiện ích của Vinhomes, nhưng với đà tăng giá đó, chỉ 5 năm nữa thôi, 3 tỷ sẽ chỉ mua được căn 1 – 2 ngủ hoặc là chỉ mua được một căn nhà ở xã hội”, chuyên gia bất động sản Lê Xuân Kiên tính toán.

Từ kinh nghiệm chung của thế giới và Việt Nam, các chuyên gia cũng cho rằng, sau đại dịch Covid-19 sẽ là cơ hội tốt để mua nhà bởi lãi suất trong thời kỳ hậu khủng hoảng thường ở mức thấp, cùng với đó là những “đòn bẩy tài chính” mà các chủ đầu tư tung ra để kích cầu.

Còn theo dự báo của Công ty CP Chứng khoán SSI, những tháng cuối năm 2020, giá nhà ở tại Hà Nội sẽ tăng 2 – 3%, TP.HCM tăng 7 – 10%. Do tình trạng khan hiếm còn kéo dài nên trong năm 2021, giá bất động sản tại hai thị trường này sẽ tăng thêm lần lượt là 1 – 2% và 5 – 7%, đồng nghĩa, cả cơ hội và lựa chọn về nhà ở của người dân đều ít dần.

“Nếu không nhanh tay, cơ hội tốt nhất để mua nhà sẽ vụt mất. Khi có tiền cũng không mua được nhà thì viễn cảnh về những ‘quan tài’ cho người sống như ở Hồng Kông hay Nhật Bản, Hàn Quốc hoàn toàn có thể xảy ra tại các đô thị lớn của Việt Nam”, chuyên gia Lê Xuân Kiên cảnh báo.

Theo VTC News