‘Ôm’ hàng nghìn ha đất, tiềm lực của Eurowindow Holding mạnh cỡ nào?

Mới đây, sau khi được làm chủ siêu dự án gần 13.000 tỷ đồng với quy mô sử dụng đất khoảng 175,9ha tại xã Hoằng Quang và xã Hoằng Long, TP Thanh Hoá, tỉnh Thanh Hóa (tháng 10/2020), bộ đôi Eurowindow Holding (EWH) – Công ty Cổ phần Xây dựng và Quản lý dự án số 1 (PCM1) tiếp tục được chọn làm chủ đầu tư Dự án khu đô thị mới tại phường Đông Vĩnh và phường Cửa Nam (TP Vinh, Nghệ An) với tổng chi phí thực hiện 4.082 tỷ đồng.

Theo đó, liên danh này đã trúng dự án này với tổng chi phí thực hiện 4.082 tỷ đồng. Tổng diện tích đất xây dựng là 37,85ha, trong đó, diện tích đất thuộc phường Đông Vĩnh là 30,45ha, phường Cửa Nam là 7,4ha.

Trụ sở Tập đoàn Eurowindow tại ngã tư Tôn Thất Tùng – Phạm Ngọc Thạch – Chùa Bộc, quận Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Eurowindow

Trước đó, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Vinh đã phát hành hồ sơ mời sơ tuyển đối với dự án này từ ngày 20/1/2020 đến ngày 28/2/2020. Sau đó, UBND tỉnh Nghệ An ban hành quyết định phê duyệt kế hoạch lựa chọn Eurowindow Holding là nhà đầu tư thực hiện dự án này theo hình thức chỉ định thầu. Tuy nhiên, ngày 27/4/2020, UBND tỉnh Nghệ An ra công văn tạm dừng thực hiện quyết định trên.

Tại Thanh Hóa và Nghệ An, ngoài các dự án trên, Eurowindow Holding cũng đã có hai dự án đã đi vào hoạt động là Trung tâm thương mại Vincentra, Tòa nhà chung cư Eurowindow Tower Nghệ An (TP Vinh, Nghệ An) và Dự án Eurowindow Garden City vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng tại TP Thanh Hoá cũng đã được đưa vào sử dụng và đang tiếp tục triển khai Khu đô thị Eurowindow Garden City (Thanh Hóa).

Quỹ đất của Eurowindow Holding không chỉ nằm ở Thanh Hóa, Nghệ An mà trải dài từ Bắc vào Nam. Tại Thủ đô, Eurowindow sở hữu hàng loạt dự án lớn nhỏ, trong đó với một số dự án như Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multi Complex (Cầu Giấy – Hà Nội), Trung tâm thương mại Melinh Plaza (Mê Linh – Hà Nội), Trung tâm thương mại Melinh PLAZA Hà Đông (Hà Đông – Hà Nội), Tòa nhà văn phòng Eurowindow Office Building (Đống Đa – Hà Nội), Tòa tháp Thành Công – 57 Láng Hạ (Hà Nội), Khu đô thị Nghĩa Đô (Từ Liêm – Hà Nội).

Phối cảnh quy hoạch khu đô thị. Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Thanh Hóa

Trong đó, dự án như Tổ hợp đa chức năng Eurowindow Multi Complex cũng từng dính vi phạm khi chủ đầu tư đã tự ý thay đổi công năng tòa nhà. Sau nhiều năm xử lý, cơ quan chức năng vào cuộc thì chủ đầu tư mới có động thái đi xin hoàn thiện thủ tục chuyển đổi công năng nhằm hợp thức hóa vi phạm.

Ở Quảng Bình, Công ty Cổ phần Eurowindow Quảng Bình Luxury, một thành viên của Eurowindow Holding hiện cũng đang nắm chắc trong tay Dự án khu đô thị Eurowindow Grand City. Dự án này có diện tích 15.000m2 và tổng mức đầu tư 440 tỷ đồng.

Tháng 8/2020, UBND tỉnh Quảng Bình đã phê duyệt kết quả sơ tuyển lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án. Nhà đầu tư duy nhất trúng sơ tuyển là liên danh Công ty Cổ phần Eurowindow Quảng Bình Five Star – Công ty TNHH Thăng Long.
Được biết, Công ty TNHH Thăng Long cũng là một ”mắt xích” trong hệ sinh thái Eurowindow Holding. Công ty được biết đến là chủ đầu tư dự án chung cư Eurowindow River Park (Hà Nội) có quy mô 2,2ha, tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng.

Cũng tại Quảng Bình, Công ty Cổ phần Eurowindow Quảng Bình Luxury cũng đang lên kế hoạch triển khai xây dựng dự án khu du lịch nghỉ dưỡng Quảng Xuân Luxury có diện tích 147ha ở huyện Quảng Trạch.

Còn tại Khánh Hoà, Eurowindow Holding có các dự án lớn là 33,3ha tại bán đảo Cam Ranh là Khu du lịch nghỉ dưỡng Movenpick Resort Cam Ranh và Radisson Blu Resort Cam Ranh và siêu dự ánWonder City Vân Phong Bay có tổng diện tích 455ha (cả đất liền và mặt biển), vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng tại Vạn Ninh.

Trúng hàng loạt dự án với mức đầu tư lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, quy mô quỹ đất hàng chục nghìn ha, nhiều người không khỏi tò mò năng lực tài chính của Eurowindow Holding tới đâu.

Eurowindow Holding – EWH được thành lập vào tháng 3/2007, hoạt động theo mô hình tập đoàn với nhiều công ty thành viên, công ty sở hữu gián tiếp và khoản đầu tư tài chính vào một nhà băng tư nhân trong nước.

Ngoài thương hiệu cửa nổi tiếng cùng tên, Eurowindow Holding còn là cổ đông lớn của Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank).

Với việc sở hữu quỹ đất lên tới hàng nghìn ha và các dự án liên tục triển khai đòi hỏi nguồn vốn lớn để triển khai, phương án hữu hiệu nhất là đi huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu. Cuối năm 2019, Eurowindow Holding đã huy động thành công 250 tỷ đồng thông qua việc phát trái phiếu, với tài sản đảm bảo là cổ phiếu TCB của Ngân hàng TechcomBank.

Hồi tháng 5/2020, công ty con của Eurowindow Holding là Công ty Cổ phần Đầu tư và Du lịch T&M Vân Phong đã phát hành 500 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất 10%/năm.

Eurowindow Holding lãi 169 tỷ đồng nhưng không mất đồng thuế thu nhập doanh nghiệp nào Tại công bố thông tin định kỳ của doanh nghiệp phát hành trái phiếu đã cho thấy phần nào tình hình kinh doanh trong 6 tháng đầu năm 2020 của Eurowindow Holding.

Theo đó, tính đến cuối tháng 6/2020, vốn chủ sở hữu của Công ty Cổ phần Eurowindow Holding ở mức 4.993 tỷ đồng. Hệ số nợ/vốn chủ sở hữu đã giảm nhẹ từ 56,25% từ tháng 6 năm 2019 xuống còn 53,02%. Lợi nhuận sau thuế 6 tháng 2020 chỉ đạt 11,6 tỷ đồng, giảm 69% so với cùng kỳ năm 2019.

Trong khi đó, tại báo cáo tài chính riêng lẻ năm 2019 của Eurowindow Holding ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 160 tỷ đồng, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2018. Đáng nói, lãi sau thuế cũng ở mức 160 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Trước đó, trong năm 2018, Eurowindow Holding cũng không phải nộp thuế dù có lãi gần trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính, với mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 20%, tính ra công ty phải nộp khoảng 32 tỷ đồng tiền thuế. Tuy nhiên, thực tế khoản thuế thu nhập doanh nghiệp này là 0 đồng do Eurowindow Holding đã chuyển lỗ từ các năm trước sang 24,1 tỷ đồng và loại trừ 8,7 tỷ đồng thu nhập không chịu thuế.

Theo Eurowindow Holding, công ty được phép chuyển các khoản lỗ tính thuế sang năm sau để bù trừ với lợi nhuận thu được trong vòng 5 năm kể từ sau năm phát sinh khoản lỗ đó. Tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm, công ty có các khoản lỗ lũy kế có thể sử dụng để bù trừ với lợi nhuận phát sinh trong tương lai.

Còn CCTCP Xây dựng và Quản lý dự án số 1 – PCM1 tiền thân là Ban quản lý các dự án của EWH với chức năng quản lý trực tiếp các dự án của các công ty thành viên thuộc EWH.

PCM1 được thành lập ngày 30/7/2010, trụ sở chính tại tầng 5 tòa nhà Thành Công, số 57 Láng Hạ, Ba Đình, Hà Nội. Công ty này đăng ký ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động kinh doanh bất động sản.

Đầu tháng 2/2020, PCM1 tăng vốn điều lệ lên 1.000 tỷ đồng.

PCM1 từng là nhà thầu xây dựng dự án tại số 2 Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội nay là tòa nhà trụ sở của EWH. Bên cạnh đó, công ty này còn quản lý các dự án như Movenpick Resort Cam Ranh, Radisson Blu Resort Cam Ranh, Eurowindow Garden City, Eurowindow River Park.

Theo SHTT