Thái Nguyên: Đại gia Trường An ‘gọt’ dự án sân golf lần này có lọt quy hoạch?

Dự án có tổng mức đầu tư 956,367 tỷ đồng. Vốn tự có của nhà đầu tư là 191,273 tỷ đồng; vốn huy động hợp pháp khác là 756,093 tỷ đồng. Dự kiến Dự án sẽ được đầu tư trong 36 tháng kể từ khi được cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Khu đất được đề xuất xây dựng Dự án có diện tích khoảng 130,61 ha, trong đó, đất dành cho quy hoạch sân golf khoảng 122,95 ha; đất dành cho vùng bảo vệ cảnh quan và dự trữ phát triển khoảng 7,66 ha.

Trước đó, vào năm 2017, Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An đã tiến hành khảo sát, lập quy hoạch xây dựng dự án này, nhưng với diện tích 162,76 ha với tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng.

Tháng 12/2017, tỉnh Thái Nguyên đã có tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT đề nghị bổ sung dự án này vào quy hoạch sân golf đến năm 2020. Tỉnh báo cáo việc bổ sung sân golf Hồ Núi Cốc phù hợp với các quy hoạch du lịch. Đồng thời diễn giải dự án “chỉ” chuyển đổi đất đồi núi sử dụng hiệu quả thấp sang làm du lịch dịch vụ.

Khu du lịch Hồ Núi Cốc.

Tuy nhiên, theo Sở TN&MT và Sở NN&PTNT, hiện trạng đất đai khu vực đề xuất dự án phù hợp với tiêu chí xây sân golf của Quyết định 1946/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch sân golf Việt Nam đến năm 2020 và các văn bản liên quan. Nhưng, đối chiếu quy hoạch 3 loại rừng tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2013 – 2020 (theo Quyết định 1518/QĐ-UBND ngày 10/7/2014) của tỉnh, khu vực đề xuất dự án có tới 74,6ha được quy hoạch là rừng phòng hộ và 12,83ha quy hoạch là rừng sản xuất.

Trong khi đó, một trong những điều kiện tiên quyết để đầu tư sân golf là không được phép sử dụng đất lúa, đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng…

Tờ trình tháng 12/2017 của UBND tỉnh xác nhận số liệu và cho biết Sở NN&PTNT đã kiến nghị UBND tỉnh thực hiện theo cách điều chỉnh quy hoạch rừng của tỉnh, nhằm đảm bảo yêu cầu pháp lý cho dự án sân golf. Nhưng theo UBND tỉnh Thái Nguyên, “khu vực ở đây đến nay vẫn chưa thể triển khai các dự án theo quy hoạch 3 loại rừng”.

Mặt khác, trong hồ sơ đề xuất gửi Bộ KHĐT, tỉnh Thái Nguyên nêu thuyết minh của chủ đầu tư – Công ty CP Đầu tư phát triển Trường An. Cho rằng việc điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng còn được bắt nguồn từ nhu cầu thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tại văn bản 2228/QĐ-TTg ngày 18/11/2016.

Theo đó, khu vực đề xuất dự án sân golf tại xã Phúc Trìu có vị trí thuộc quy hoạch phân khu trung tâm vùng lõi Khu du lịch Quốc gia – được dự kiến xây dựng các hạng mục gồm: Khu dịch vụ đón tiếp; khu dịch vụ khách sạn, nhà hàng, mua sắm; khu dịch vụ thể thao, vui chơi giải trí…. Nên sẽ dẫn tới nhu cầu rà soát, điều chỉnh đưa ra khỏi ranh giới phát triển rừng phòng hộ.

Nói cách khác, nếu được thông qua, quy hoạch phát triển 3 loại rừng sẽ phải nhường đất cho phát triển du lịch tại tỉnh Thái Nguyên, mà cụ thể là cho dự án sân golf.

Vào tháng 4/2019 tại cuộc họp giữa lãnh đạo tỉnh, các Sở ngành liên quan tỉnh Thái Nguyên và chủ đầu tư cho thấy, dự án sân golf 36 lỗ Hồ Núi Cốc lúc này quy mô nghiên cứu còn khoảng 134,79ha, đã hoàn thành bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất của tỉnh được Chính phủ phê duyệt. Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư trình UBND tỉnh và Bộ KHĐT, chờ bổ sung quy hoạch sân golf đến năm 2020.

Cho đến nay, Công ty CP Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An vừa có hồ sơ đề xuất gửi UBND tỉnh Thái Nguyên về việc thực hiện Dự án Sân golf Hồ Núi Cốc tại xã Phúc Xuân và xã Phúc Trìu, TP. Thái Nguyên.

Nhà đầu tư cho biết, dự án không sử dụng đất lúa (kể cả đất lúa một vụ năng suất thấp), đất màu, đất trồng rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu đô thị để xây dựng sân golf. Dự án sử dụng một phần diện tích đất ở nông thôn là 8,95 ha.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ