Thanh tra Chính phủ ‘điểm mặt’ sai phạm tại dự án Kosy Sông Công

Điểm mặt sai phạm

Ngày 15/7, Thanh tra Chính phủ công bố kết luận thanh tra công tác quản lý, sử dụng đất đai, đầu tư xây dựng và khai thác tài nguyên khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 1/1/2010 – 31/12/2018.

Theo đó, nhiều dự án bất động sản tại tỉnh Thái Nguyên bị “điểm mặt, chỉ tên” liên quan đến sai phạm. Trong đó có dự án Kosy Sông Công của Kosy Group.

Cụ thể, tại dự án Khu đô thị Kosy Sông Công, TP.Sông Công, việc giao đất thực hiện dự án xây dựng khu dân cư nhưng không qua đấu thầu lựa chọn chủ đầu tư thực hiện dự án.

Theo Thanh Tra Chính phủ, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Thái Nguyên.

Phối cảnh Khu đô thị Kosy Sông Công

Dự án có tổng mức đầu tư gần 482 tỉ đồng, nguồn vốn do chủ đầu tư ứng trước để xây dựng hạ tầng kỹ thuật được trừ vào tiền sử dụng đất nhưng thực chất là giao đất để thực hiện dự án kinh doanh.

“Trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP.Sông Công, UBND tỉnh Thái Nguyên”, kết luận của Thanh Tra Chính phủ chỉ rõ.

Việc UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt phương án tài chính đợt 1, 2 trong đó khấu trừ khoản chi phí xây dựng hạ tầng hơn 39,5 tỷ đồng vào tiền sử dụng đất nhà đầu tư phải nộp là không có cơ sở theo khoản 2, điều 4, Nghị định 45/2014 của Chính phủ. Thanh tra Chính phủ xác định trách nhiệm của việc này thuộc về Sở Tài chính, UBND tỉnh Thái Nguyên, UBND TP.Sông Công và hội đồng thẩm định giá của tỉnh.

Ông chủ của Kosy Group là ai?

CTCP Kosy thành lập năm 2008, vốn điều lệ 120 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Năm 2011, Kosy chuyển mạnh sang bất động sản và xác định đây là mảng miếng chủ lực với dự án đầu tay Moutain View quy mô 38ha ở TP.Lào Cai.

Giai đoạn 2014-2017, Kosy tăng mạnh vốn lên 415 tỷ đồng và lấn sân phát triển các dự án nhà ở tại Thái Nguyên và Bắc Giang, bên cạnh dự án chủ lực ở Lào Cai.

Cuối năm 2017, Kosy trở thành công ty đại chúng và giao dịch cổ phiếu trên sàn UpCOM, đầu tháng 9/2019 niêm yết cổ phiếu trên HoSE và phát triển chuỗi dự án bất động sản, năng lượng từ Bắc vào Nam với tổng vốn hàng chục nghìn tỷ đồng. Hệ sinh thái doanh nghiệp của Chủ tịch Nguyễn Việt Cường cũng đang phát triển theo mô hình tập đoàn với nhiều thành viên, mỗi đơn vị phụ trách một bộ phận riêng biệt.

Chủ tịch Kosy Group, ông Nguyễn Việt Cường.

Hệ sinh thái Kosy Group bản chất là một doanh nghiệp gia đình với các thành viên trong nhà Chủ tịch kiêm TGĐ Nguyễn Việt Cường chia nhau nắm giữ những chức vụ chủ chốt. Như vợ ông là bà Nguyễn Thị Hằng – Phó Chủ tịch HĐQT; Em gái ông là bà Nguyễn Thị Phương Thảo – Ủy viên HĐQT kiêm Phó TGĐ; Bố vợ là ông Nguyễn Ngọc Sáu – Ủy viên HĐQT…

Ngoài 8 công ty thành viên, vợ và các em ông Cường còn đảm trách chức vụ chủ chốt tại một số đơn vị khác như em trai Nguyễn Thế Hùng là Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Sơn Phúc có vốn 626 tỷ đồng; em trai Nguyễn Trung Kiên là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc CTCP Tư vấn Kiến trúc và Xây dựng Đông Đô; em gái Nguyễn Thị Phương Thảo phụ trách CTCP Đầu tư Kosy và Văn phòng đại diện Kosy tại Lai Châu.

Về phần mình, ông Nguyễn Việt Cường chỉ trực tiếp đứng tên CTCP Kosy – pháp nhân lõi trong cả hệ thống và CTCP Tư vấn Đầu tư Xây dựng Thủy điện (vốn 350 tỷ đồng) sau khi mua lại từ nhóm cổ đông sáng lập vào tháng 10/2018.

Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trước khi trở thành Chủ tịch Tập đoàn Kosy, ông Cường từng chịu bản án 46 tháng tù trong đường dây thi thuê đại học năm 2004.

Thông tin này từng được đăng tải trên báo chí từ thời điểm tháng 5/2004. Theo đó, thời điểm trên diễn ra phiên toà xét xử 9 bị cáo trong đường dây thi thuê, thi kèm vào đại học đã xâm phạm nghiêm trọng việc thi cử.

Bản án của TAND Hà Nội nhận định, trong quá trình thẩm vấn 10 bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi, ăn năn hối cải. Chủ mưu đường dây là Ngô Thành Sơn đã tổ chức, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng người, tạo nên dây chuyền thi thuê, thi hộ khép kín.

Trong đó, Nguyễn Việt Cường môi giới bán 01 bằng tốt nghiệp đại học giả do nhóm của Sơn (chủ mưu) “sản xuất”. Ngoài các bị cáo khác, riêng Nguyễn Việt Cường (Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Sao Việt) phải chịu thêm hình phạt 10 tháng tù treo của bản án hình sự cách đây 2 năm (trước đó vào năm 2002, ông Cường từng bị xét xử với Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 267 Bộ luật hình sự 1999); tổng cộng Cường phải chấp hành 46 tháng tù. Bị cáo duy nhất trong đường dây được hưởng án treo là Ngô Thành Phú, 30 tháng.

Theo Minh Anh/Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng tạo