Thị trường BĐS đang gây sức ép lên các nhà đầu tư ‘lướt sóng’

Từ đầu năm đến nay, với 2 đợt bùng phát dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư bất động sản đang gặp khó khăn chồng chất. Theo đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, tình trạng đóng băng kéo dài của thị trường bất động sản khiến nhiều nhà đầu tư lao đao vì dòng tiền bị “đứng” lại.

Các chuyên gia kinh tế dự báo, đợt dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư đang đẩy thị trường bất động sản vào kịch bản chịu áp lực giảm giá trên thị trường thứ cấp (nhà đầu tư mua đi bán lại) khá mạnh.

Rủi ro trong ngắn hạn ở thị trường bất động sản đang hiện diện rõ rệt, đặc biệt với các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính tỉ lệ cao, các doanh nghiệp phát triển “nóng”, thiếu chiến lược phát triển bền vững.

Thị trường BĐS đang gây sức ép lên các nhà đầu tư 'lướt sóng' - Ảnh 1
Nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” đã buộc phải bán cắt lỗ các sản phẩm BĐS. (Ảnh minh họa)

Với tốc độ tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản trong những năm vừa qua, không ít người đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các sản phẩm như đất nền, căn hộ nhằm kiếm lời. Những áp lực về dòng tiền do phải trả gốc, lãi vay ngân hàng,… khiến nhiều nhà đầu tư “lướt sóng” đã buộc phải bán cắt lỗ các sản phẩm BĐS hoặc đối mặt với tình trạng “giữ không được, bán không xong”.

Theo các chuyên gia, muốn thành công trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà đầu tư luôn phải chuẩn bị tiềm lực tài chính tương đương 30 – 50% giá trị BĐS đầu tư.

Nhận định về thị trường BĐS hiện nay, các chuyên gia cho rằng, đây là thời điểm để đầu tư dài hạn hoặc mua nhà để ở. Với dân số tăng nhanh, nhu cầu sinh hoạt, kinh doanh tăng theo, về lâu dài các BĐS vẫn có tiềm năng tăng giá.

Tại TP.HCM, với tốc độ tăng giá chóng mặt của thị trường bất động sản trong 5 năm vừa qua, không ít người đã vay tiền ngân hàng để đầu tư vào các sản phẩm như đất nền, căn hộ nhằm kiếm lời. Đến nay, nhiều người mua nhà đã vào ở nhưng do thu nhập bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên mất khả năng trả lãi ngân hàng hàng tháng.

Trong khi đó, đối với nhóm người mua nhà đang đợi bàn giao, đợt thanh toán bàn giao nhà mới đây là 20% giá trị sản phẩm nhưng cũng không có đủ tiền để trả, buộc phải chịu phạt từ 2-3% theo quy định của chủ đầu tư. Một số người đã vay thêm tiền của ngân hàng để đóng tiền cho chủ đầu tư, nay mắc kẹt trong cảnh lãi chồng lãi.

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, giá giao dịch bất động sản (BĐS) đối với nhà ở trong quý II tại hầu hết các địa phương có xu hướng tăng nhẹ so với Quý I cũng như cùng kỳ năm 2020.

Đối với căn hộ chung cư, đặc biệt tại Hà Nội và TP.HCM, giá giao dịch vẫn tăng khoảng 5 – 7% so với quý I và được dự báo có xu hướng tăng tiếp tục trong thời gian tới. Bởi lẽ, chi phí đầu tư, nguyên vật liệu, lãi vay, chi phí tài chính… đều tăng và được tính vào giá bán sản phẩm.

Theo tìm hiểu, hầu hết các chủ đầu tư bất động sản đều sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng và các hình thức huy động tài chính khác. Trong trạng thái bình thường khi dòng tiền ổn định thì khả năng trả nợ vay được đảm bảo. Tuy nhiên, trong tình huống hiện nay khi doanh thu và dòng tiền sụt giảm nghiêm trọng thì áp lực tài chính lên các chủ đầu tư là vô cùng lớn và rủi ro cao.

Dù bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp nhưng thị trường BĐS tại Việt Nam vẫn có dấu hiệu phục hồi tích cực. Do vậy, các chuyên gia cho rằng, đây chính là thời điểm để đầu tư dài hạn hoặc mua nhà để ở. Ngược lại, thị trường BĐS hiện nay đang gây sức ép lên các nhà đầu tư “lướt sóng” do chậm tiến độ thi công và rủi ro vay nợ.