Thị trường BĐS Hà Nội bất ổn trong nửa đầu năm, nguồn cung lan rộng ra ngoại thành

Thị trường nhà ở có nguồn cung thấp kỷ lục trong vòng 7 năm trở lại đây

Theo ghi nhận từ JLL, nửa đầu năm nay, tại thị trường Hà Nội, lượng mở bán chính thức của các sản phẩm nhà ở chung cư chỉ đạt 2.910 căn, thấp hơn 36,7% theo quý. Đây là mức thấp nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Tuy rằng số lượng căn hộ mở bán mới được kỳ vọng sẽ tăng sau nới lỏng giãn cách xã hội, nhưng việc Chính phủ thắt chặt kiểm soát liên quan đến phê duyệt quyền sử dụng đất và giấy phép xây dựng đối với các dự án mới đã làm sụt giảm đáng kể nguồn cung trong quý này. Do vậy, phần lớn nguồn cung mới đến từ giai đoạn tiếp theo của các dự án hiện hữu.

Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã thay đổi phương thức tiếp cận khách hàng mới kết hợp chính sách bán hàng ưu đãi. Thị trường chứng kiến một loạt các bất động sản sử dụng kênh bán hàng trực tuyến như đặt mua trên website hoặc livestream trực tuyến trên fanpage dự án để tiếp cận người mua. Bên cạnh đó, các gói tài chính hấp dẫn với lịch thanh toán dài hạn và chương trình lãi suất 0% cũng thu hút đáng kể sự quan tâm của thị trường, đặc biệt là ở phân khúc khách mua ở thực.

Chuyên gia JLL cũng cho biết, các chủ đầu tư đã nhanh chóng điều chỉnh tăng giá bán sau khi các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng. Quý II/2020, giá sơ cấp trung bình toàn thị trường đạt 1.493 USD/m2, tăng 2% so với quý trước và 4,9% so với cùng kỳ. Tính theo mỗi dự án, giá bán tăng trung bình 2,8% so với quý I. Tuy nhiên, giá bán thứ cấp giảm 1% so với quý trước khi thị trường cho thuê chậm lại.

Yêu cầu cách ly toàn xã hội 3 tuần đầu tháng 4 và ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh khiến tiến độ xây dựng của các tòa nhà văn phòng trên thị trường cũng bị ảnh hưởng. Thời gian hoàn thành của những tòa nhà văn phòng ở các phân khúc đều bị đẩy lùi.

Ảnh hưởng của Covid-19 trở nên rõ ràng trong quý II, khi văn phòng cho thuê ghi nhận lượng hấp thụ ròng bị âm ở cả 2 phân khúc A và B. Khách thuê buộc phải chuyển sang những địa điểm có giá thuê hấp dẫn hơn hoặc cắt giảm diện tích thuê. Thậm chí, không chỉ những công ty vừa và nhỏ gặp phải khó khăn, ngay cả những công ty lớn cũng thắt chặt chi tiêu do tình hình thế giới vẫn đang phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Để có thể giúp tiết kiệm chi phí, văn phòng chia sẻ đang được các doanh nghiệp, bao gồm cả những tập đoàn đa quốc gia quan tâm, nhờ phương án chào thuê linh hoạt và cạnh tranh.

Chuyên gia JLL nhận định, nhìn từ nguồn cầu, nhiều khả năng các khách thuê sẽ thắt chặt ngân sách và kế hoạch mở rộng sẽ bị hoãn lại do sự bất ổn của tình hình kinh tế thế giới. Vì thế, mức tăng trưởng của giá thuê được dự đoán sẽ chậm lại so với thời trước, và có thể sẽ khiến cho các chủ nhà phải điều chỉnh chiến lược thuê để tăng tính cạnh tranh

Nguồn cung bất động sản Hà Nội lan rộng ra ngoại thành

Cùng với quy hoạch mở rộng đô thị Hà Nội, bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills cho biết, nguồn cung căn hộ đã mở rộng từ các quận nội thành ra các huyện ngoại thành.

Năm 2016, huyện Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 10% nguồn cung. Nhưng trong quý II/2020, 4 huyện Gia Lâm, Đông Anh, Hoài Đức và Thanh Trì chiếm 27% nguồn cung. Tổng số giao dịch tại các huyện tương đương 22% tổng số giao dịch trong nửa đầu năm 2020 nhờ hoạt động tốt của khu vực phía Đông.

Các dự án lớn ở ngoại ô trong tương lai bao gồm Xuân Mai Smart City (3.072ha), Vinhomes Cổ Loa (299ha), BRG Smart City (272ha) và Vinhomes Wonder Park (133ha). Những dự án này được xem như là một giải pháp bền vững để giảm bớt gánh nặng về vấn đề dân số, tắc nghẽn giao thông hay thiếu hụt hạ tầng.

Nhận định về thị trường bất động sản trong thời gian tới, Savills cho biết, trong nửa cuối năm 2020, khoảng 24.200 căn hộ từ 4 dự án hiện tại và 18 dự án tương lai sẽ ra mắt thị trường, hạng B tiếp tục dẫn đầu thị trường. Trong số 22 dự án này, 68% đang trong quá trình xây dựng và 32% đang làm móng. Các quận/huyện dẫn đầu nguồn cung bao gồm Từ Liêm với 45% thị phần, Gia Lâm với 32% và Hoàng Mai với 9% thị phần.

Thị trường Hà Nội sẽ dồi dào nguồn cung bất động sản vào nửa cuối năm 2020

Dự báo của CBRE, nửa cuối năm 2020, thị trường Hà Nội sẽ cực kỳ sôi động khi đón nhận một nguồn cung mới các sản phẩm bất động sản nhà ở chung cư, văn phòng cho thuê và mặt bằng bán lẻ.

Đại diện CBRE đưa ra dự báo, nửa cuối năm 2020 dự kiến sẽ đón thêm các dự án lớn với tổng diện tích mới đạt 160.000 m2. Tỷ lệ trống của văn phòng Hà Nội dự kiến sẽ tăng lên mức 15 – 20% ở cả hai hạng A và B. Sự thay đổi về giá thuê dự kiến sẽ khác nhau giữa các tòa văn phòng, do các chủ nhà cạnh tranh để thu hút khách thuê.

Báo cáo của CBRE cũng cho thấy, sau khi giãn cách xã hội kết thúc vào ngày 23/4, các doanh nghiệp đã dần quay lại trạng thái làm việc bình thường. Các trung tâm mua sắm cũng đã hoạt động trở lại, tuy nhiên thời gian mở cửa còn hạn chế tại một số dự án. Cả chủ nhà và khách thuê vẫn đang rất thận trọng trong hoạt động kinh doanh, các biện pháp quản lý vệ sinh và an toàn vẫn được áp dụng triệt để dù tình hình kiểm soát dịch bệnh tương đối khả quan.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội cho biết thêm, thị trường bán lẻ Hà Nội vẫn dự kiến đón nhận hơn 450.000m2 NLA trong 3 năm tới, chủ yếu tập trung tại các khu vực ngoài trung tâm. Trong đó, nguồn cung đến từ hai dự án trung tâm thương mại mới Vincom dự kiến đi vào hoạt động (Vincom Megamall Ocean Park và Vincom Megamall Smart City), tận dụng nguồn cầu từ chính hai dự án đại đô thị phía Đông và phía Tây. Bên cạnh các đơn vị lớn nội địa, các tập đoàn bán lẻ nước ngoài cũng ngày càng quan tâm đến thị trường Hà Nội.

Những trung tâm thương mại có quy mô lớn này được kỳ vọng sẽ có nâng cấp về thiết kế, đa dạng về ngành hàng và tăng trải nghiệm cho khách hàng, từ đó đem lại nhiều lợi ích cho các nhà bán lẻ đang tìm kiếm cơ hội ngoài khu vực trung tâm.

Mộc Diệp(T/H)/ Sở hữu trí tuệ