Thị trường BĐS phải thay đổi để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”

Từ tháng 2, thị trường bất động sản trầm lắng do ảnh hưởng bởi Covid-19. Tuy nhiên, gần cuối tháng 4 – thời gian nới giãn cách xã hội khi Việt Nam chứng minh khả năng ứng phó dịch bệnh hiệu quả với thế giới, các giao dịch bắt đầu rục rịch trở lại tại nhiều phân khúc: căn hộ, biệt thự nghỉ dưỡng… Làn sóng dịch chuyển, mở rộng sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài mở ra cơ hội lớn cho bất động sản công nghiệp Việt Nam.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong tháng 4, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 12,33 tỉ USD. Bất động sản là một trong 18 ngành, lĩnh vực thu hút dòng tiền ngoại với tổng vốn đăng ký 665 triệu USD. Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn với các doanh nghiệp địa ốc nước ngoài. Ngoài điều kiện tự nhiên phong phú, thích hợp phát triển nhiều dòng sản phẩm khác nhau. Cơ sở hạ tầng – cảng biển, hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ, hệ thống kho bãi – tương đối tốt, tình hình chính trị ổn định và tỷ lệ tăng trưởng kinh tế trong top nhanh nhất thế giới cũng là điểm cộng cho Việt Nam.
Trong trạng thái bình thường mới, bức tranh bất động sản của Việt Nam sẽ thay đổi theo chiều hướng nào? Các doanh nghiệp cần làm gì để đón dòng vốn đầu tư FDI? Cơ hội, thách thức, giải pháp nào thúc đẩy bất động sản trong nước phát triển? Đây sẽ là những nội dung được các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp bàn thảo trong tọa đàm trực tuyến “Thu hút FDI vào bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng”

Hiện tại giao dịch BĐS chậm lại là do dịch còn triển vọng về tương lai là vô cùng lớn

Trả lời trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho hay, sau thời điểm dịch bệnh được kiểm soát tốt tại Việt Nam thì theo quan sát 2 mảng thị trường nhận được sự quan tâm nhiều của các NĐT nước ngoài là BĐS công nghiệp và BĐS nhà ở.

Trong đó BĐS công nghiệp có 2 loại sản phẩm là đất công nghiệp và nhà xưởng xây sẵn thu hút được dòng vốn FDI. Theo bà Dung, với quy mô dân số dồi dào, tốc độ đô thị hóa nhanh, thị trường nhà ở bán còn nhiều tiềm năng để phát triển, các NĐT còn nhiều dư địa để bước chân vào thị trường. Cũng theo vị chuyên gia này, thời điểm hiện tại đơn thuần là giao dịch BĐS chậm lại là do dịch, còn triển vọng về tương lai là vô cùng lớn.

“Trong thời gian tới, cả ngắn hạn và dài hạn, thị trường BĐS phải thay đổi để thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Các chủ đầu tư, nhà phát triển và cả người mua đều phải thay đổi để thích nghi, góp phần làm thị trường chuyển biến tích cực hơn”, bà Dung nhấn mạnh.

Điểm sáng của thị trường sắp tới là BĐS công nghiệp

Thực tế trước khi có dịch, chiến tranh thương mại Mỹ – Trung bùng nổ thì các nhà sản xuất đã hướng tới thị trường Việt Nam. Giá đất công nghiệp chào thuê đã tăng 10% mỗi năm.

Năm 2020 khi mà dịch bệnh nổ ra, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các NĐT nhận thấy rủi ro khi phụ thuộc lớn vào một thị trường như Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhờ các yếu tố thuận lợi. Bên cạnh làn sóng dịch chuyển sản xuất do dịch Covid-19, thì BĐS công nghiệp Việt Nam còn có cơ hội lớn nhờ việc tham gia các hiệp định thương mại. Theo bà Dung, hiện có 13 hiệp định thương mại được kí kết, 6 hiệp định đang đàm phán, đây là cơ hội rất lớn cho thị trường BĐS nói chung, BĐS công nghiệp nói riêng.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, còn nhiều thách thức để Việt Nam sẵn sàng đón cơ hội lớn. Cụ thể, sự chưa sẵn sàng của Việt Nam liên quan đến nguồn cung BĐS công nghiệp. Hầu hết các KCN hiện hữu có công suất lấp đầy trên 90%, không còn đất để chào mời NĐT nước ngoài.

“Dường như tuần nào, chúng tôi cũng nhận được 2-3 đơn yêu cầu thông qua nguồn cung thị trường. Tuy nhiên, phải mất ít nhất 2 năm để mở rộng nguồn cung. Nếu để phát triển các khu CN hoàn toàn mới thì càng lâu hơn nữa. Điều đó có nghĩa là chúng ta mất nhiều thời gian để cạnh tranh với các thị trường lân cận và thế giới”, bà Dung khẳng định.

Ngoài ra, cơ sở hạ tầng quá tải cũng khiến NĐT nước ngoài e ngại. Khi cơ sở hạ tầng kém chất lượng thì chi phí vận chuyển kho vận sẽ bị đẩy lên cao, vô hình dung khiến chi phí đầu tư sẽ kém cạnh tranh hơn so với các quốc gia khác có cơ sở hạ tầng tốt.

Còn theo TS Trần Kim Chung, đầu năm 2020 đến nay nhìn chung tình hình thị trường BĐS có sự khó khăn ở hầu hết các phân khúc. Đặc biệt thời điểm từ tháng 1 đến tháng 3/2020, từ đầu tháng 4 đến nay tình hình BĐS có sự sáng sủa trở lại.

Ông Chung chỉ ra, theo số liệu của Bộ Xây dựng, trong quý 1/2020 cả nước chỉ có 56 dự án với 20.536 căn hộ được cấp phép. Tổng lượng sản phẩm giao dịch trên thị trường chỉ đạt 14%. Tuy cung và giao dịch giảm nhưng giá bán vẫn tăng nhẹ ở 2 thị trường lớn là Hà Nội và Tp.HCM.

Theo ông Chung, giai đoạn hiện nay và sắp tới BĐS công nghiệp được xem là nét sáng trên thị trường. Còn đối với BĐS nhà ở tuy có suy giảm so với giai đoạn trước nhưng có một điều đáng lưu ý là năm nay rơi vào năm nhuận, nghĩa là thị trường nhà ở còn 9 tháng để phục hồi. Ở mảng BĐS du lịch, nghỉ dưỡng, văn phòng cho thuê ông Chung dự báo chủ yếu chỉ mới thu hút được khách trong nước, còn khách du lịch nước ngoài phải đợi thêm thời gian nữa. Nó thực sự trở lại thị trường khi các nước xung quanh khống chế được dịch bệnh, mở lại đường bay quốc tế.

Cùng quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land cho hay, BĐS nghỉ dưỡng ở Việt Nam vẫn còn tiềm năng rất lớn để phát triển. Tuy nhiên, việc phát triển hiện tại còn khoảng cách xa so với nước xung quanh do các rào cản về pháp lý, mới đây nhất là dịch bệnh.

Theo đó, câu chuyện trong tương lai của phân khúc này nói riêng, thị trường BĐS nói chung phụ thuộc vào 2 yếu tố là chiến lược quốc gia thúc đẩy thị trường BĐS phát triển xứng với tiềm năng vốn có và yếu tố thứ 2 là năng lực của CĐT. Với loại hình BĐS nghỉ dưỡng theo bà Hương đây là sản phẩm không phải CĐT nào cũng triển khai tốt được. Câu chuyện của nó là phải đảm bảo tỉ suất lấp đầy trong dài hạn mới mang lại quyền lợi cho khách hàng tham gia.

Thanh Nga(TH)/ Sở hữu trí tuệ