Thủ đoạn vẽ dự án ‘ma’ phân lô bán nền, chiếm đoạt hơn 41 tỷ đồng của nữ Giám đốc

Sau khi nhận chuyển nhượng một số thửa đất trên địa bàn quận 9, TP.HCM, Nguyễn Thị Diệu Thuý nhờ 1 công ty vẽ giúp bản phân khu nền đất, không xin các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật. Nhóm đối tượng sau đó rao bán dự án “ma” này và cam kết sẽ ra sổ cho người dân.

Mua đất đang thế chấp để lừa đảo

Mới đây, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với đối tượng Nguyễn Thị Diệu Thuý, SN 1984, ngụ quận 8, TP.HCM để điều tra làm rõ hành vi chiếm đoạt tài sản.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng, Thúy là Giám đốc công ty Tiên Phong Land (kinh doanh ngành nghề môi giới bất động sản – PV). Người này bị bắt vì có liên quan đến việc lập dự án “ma” mang tên khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, trên địa bàn phường Phú Hữu, quận 9.

Bước đầu, cơ quan công an xác định, khoảng tháng 7/2018, do kinh doanh lĩnh vực bất động sản và nhà đất, Thúy quen biết với một số người môi giới và biết bà Lê Thị T., ngụ phường An Phú, quận 2 rao bán lô đất thuộc thửa đất số 692, 695, 701 tờ bản đồ số 06 và thửa đất số 437 tờ bản đồ số 03, có địa chỉ tại phường Phú Hữu.

“Người dân căng băng rôn đòi tiền công ty Tiên Phong Land.

Thuý liên hệ với bà T. nhận chuyển nhượng những thửa đất trên. Ngày 3/7/2018 Thuý đưa cho bà T. 32 tỷ đồng để làm chủ khu đất diện tích 2.462m2. Nội dung hợp đồng đặt cọc thể hiện rõ tình trạng pháp lý của khu đất gồm: Hai giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc quyền quản lý của công ty Cổ phần Dịch vụ và Vận tải ô tô số 6, tài sản đang được thế chấp tại ngân hàng và bị nợ quá hạn.

Vẽ dự án trên giấy, thu tiền thật

Sau khi chuyển nhượng được khu đất trên, Thúy biết rõ nếu chiếu theo quy định thì chủ lô đất phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính, trả nợ, giải chấp ngân hàng. Nhưng Thúy đã móc nối với công ty Bất động sản Eagle Land (gọi tắt công ty Eagle Land), nhờ lãnh đạo của công ty Eagle Land vẽ phân khu đất trên thành 29 lô đất diện tích từ 50 m2 – 80 m2 với tên gọi “Khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, quận 9” và tiến hành xây dựng hạ tầng trái phép, sau đó rao bán trên mạng.

Thúy không lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư, quy hoạch 1/500 mà vẽ dự án trên giấy, sau đó đưa cho các nhân viên kinh doanh rao bán. Các nhân viên công ty giới thiệu với khách hàng rằng dự án này đã có hồ sơ pháp lý, công ty đang thực hiện việc san lắp, xây dựng đường, làm cống thoát nước…

Thuý bị công an mời làm việc về việc bán dự án “ma”.

Để thu hút lòng tin của khách hàng, Thúy cho nhân viên cam kết sẽ sang tên chuyển nhượng đất cho người mua trong vòng 3 tháng. Do tin tưởng, hơn 20 khách hàng đã chuyển cho Thúy tổng số tiền hơn 41 tỷ đồng.

Sau khi nhận được phản ánh, phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (PC03 – Công an TP.HCM đã vào cuộc xác minh, xác định các thửa đất trên phần lớn là đất nông nghiệp, hiện đang nằm trong quy hoạch nhóm đất nhà ở xây dựng mới thấp tầng (nhà liên kế vườn – biệt thự vườn). Khi muốn thành lập dự án hay phân lô bán nền thì phải lập bản vẽ quy hoạch chi tiết (1/500) và được cấp có thẩm quyền phê duyệt mới đủ điều kiện đưa vào giao dịch mua bán.

Liên quan đến dự án này, sở Xây dựng TP.HCM, và UBND quận 9 thông báo rằng, vào thời điểm trên không có bất kỳ cá nhân, tổ chức nào nộp hồ sơ xin thành lập dự án khu dân cư mới Gò Cát – Phú Hữu, quận 9, cũng như làm thủ tục xin chuyển đổi mục đích sử dụng của các thửa đất nêu trên. Ngày 5/4/2019, UBND quận 9 ban hành Quyết định cưỡng chế khắc phục hậu quả việc xây dựng hạ tầng trái phép trên khu đất này của Nguyễn Thị Diệu Thuý.

Cẩn trọng và tìm hiểu rõ khi mua bất động sản

“Khi người dân mua sản phẩm bất động sản, điều đầu tiên cần tìm hiểu chính là pháp lý dự án. Cụ thể, muốn biết được dự án đó có được cấp phép hay không, hiện nay quá trình thủ tục xin lập dự án đến đâu, người dân hoặc khách hàng có thể đến ngay UBND phường nơi có thửa đất và xin trích lục hồ sơ địa chính tại địa phương thì sẽ biết ngay có hay không có dự án. Ngoài ra, nếu đi sâu hơn, còn có thể tìm hiểu về thửa đất đó hiện nay ai đang quản lý, có vướng mắc về tranh chấp, hay thế chấp ngân hàng hay không. Chính vì vậy, nếu mua bất động sản, người dân phải lưu ý điều này. Chúng ta đã thấy hàng loạt vụ lừa đảo xảy ra nhưng người dân vẫn chưa nâng cao tinh thần cảnh giác. Hy vọng rằng cơ quan chức năng địa phương sẽ quản lý sát sao hơn, để không còn những công ty lừa đảo, chiếm tiền làm mất đi uy tín của lĩnh vực kinh doanh nhà đất, cũng như đảm bảo quyền lợi cho người dân” – ông N.T.H., một giám đốc công ty bất động sản chia sẻ.

Theo Người đưa tin Pháp luật