TP. Hồ Chí Minh: Tỷ lệ bỏ trống bất động sản cho thuê lên tới 40%

Trong gần 7 tháng đầu năm 2020, tại TP. Hồ Chí Minh tình hình hoạt động chung của lĩnh vực bán lẻ đang giữ ở trạng tích cực. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch Covid, phân khúc nhà phố cho thuê vẫn đang chịu những ảnh hưởng tiêu cực, hàng loạt mặt bằng tại các khu phố vốn rất sầm uất và cao cấp của thành phố buộc phải đóng của hoặc trả lại.

Theo báo cáo thị trường bất động sản TP. Hồ Chí Minh mới đây của Savills Việt Nam, sau giai đoạn giãn cách xã hội, doanh thu bán lẻ TP. Hồ Chí Minh trở lại đà tăng trưởng theo tháng ở mức 20% vào tháng 5 và 5% vào tháng 6. Doanh thu lưu trú và ăn uống tang mạnh 80% (tháng 5) và 42% (tháng 6) trong khi doanh thu bán lẻ hang hóa tăng thấp hơn, ở mức 12% (tháng 5) và 3% (tháng 6).

Do tác động tiêu cực của đại dịch, tình hình kinh doanh giảm sút đã buộc người thuê nhà phố phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh tại các vị trí đắc địa tại TP. Hồ Chí Minh.

Đáng chú ý, giá thuê trong phân khúc bán lẻ trung bình giảm nhẹ 1% theo quý nhưng ổn định theo năm. Nhằm hỗ trợ cho khách thuê bị ảnh hưởng trong thời gian giãn cách xã hội, hầu hết các chủ mặt bằng đã giảm giá thuê đến 30% vào tháng 4 và tháng 5. Khi lưu lượng khách mua sắm phục hồi kể từ tháng 6, các trung tâm thương mại đã đề xuất mức giảm giá 15% hoặc giảm phí dịch vụ đến 2USD/m2.

Trong khi đó, với phân khúc nhà phố cho thuê, rất nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa nhưng tình hình kinh doanh giảm sút đã buộc phải đóng cửa hoặc thu gọn kinh doanh.

Hàng loạt nhà phố tại các khu vực trung tâm phụ thuộc vào lĩnh vực du lịch từ khách nước ngoài như đường Lý Tự Trọng, Đồng Khởi, Hai Bà Trưng tại quận 1 đã tiến hành tạm ngừng hoạt động hoặc trả mặt bằng do chịu ảnh hưởng nặng nề của quy định hạn chế đi lại giữa các quốc gia.

Tương tự, các tuyến đường hoạt động bán lẻ sầm uất như: Nguyễn Trãi, Cách Mạng Tháng 8, Nguyễn Văn Trỗi, Lê Văn Sỹ … tình trạng treo biển cho thuê, sang nhượng mặt bằng cũng diễn ra phổ biến.

Một ví dụ điển hình về tình trạng gặp khó của các chủ nhà cũng như khách thuê trong thời gian này là các khu phố Hàn Quốc quanh khu vực quận 7. Đây là nơi tập trung rất nhiều người Hàn Quốc tới Việt Nam làm việc và sinh sống. Đặc biệt là quanh phường Tân Phong, Phú Mỹ Hưng, đây đã từng là một thị trường rất lý tưởng dành cho ngành bán lẻ, với mật độ dân số đông, cư dân là những người có thu nhập và chất lượng cuộc sống cao.

Từ khi dịch bệnh bùng nổ, lệnh đóng cửa biên giới của các quốc gia ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động đi lại, khiến các chuyên gia nước ngoài không thể trở lại Việt Nam làm việc, và việc thắt chặt chi tiêu của người tiêu dùng, đã dẫn tới sự sụt giảm nghiêm trọng trong kinh doanh của các doanh nghiệp tại đây.

Theo ghi nhận thực tế, do tác động tiêu cực cử dịch bệnh đã khiến nhiều khách thuê nhà phố phải tái cấu trúc kinh doanh. Trong đó, nhiều chuỗi ăn uống và thời trang tại các vị trí đắc địa cũng đã phải đóng cửa, mặt bằng kinh doanh thương mại nhà phố tại khu vực trung tâm đồng loạt rao tìm người thuê.

“Trước thời điểm dịch bệnh, tỷ lệ lấp đầy của bất động sản bán lẻ trong khu vực này luôn duy trì ở mức cao khoảng 95%. Hiện nay tỷ lệ bỏ trống đã lên đến 40%, đặc biệt là các mặt bằng nội khu” – bà Thu Hà nhấn mạnh.

Việc giảm giá thuê từ phía chủ nhà là một trong những điều kiện tiên quyết để gỡ rối những khó khăn hiện tại, không chỉ cho các khách thuê tại khu vực quận 7, mà là còn trên phương diện toàn thị trường. Mặc dù vậy, nên giảm bao nhiêu, hình thức giảm, và thời hạn giảm, vẫn là điều các chủ nhà còn khá dè dặt và phải cân nhắc kĩ lưỡng.

Còn về phía khách thuê, việc lựa chọn ngành nghề phù hợp để đầu tư cũng là một hướng đi quan trọng trong thời điểm này. Mặc dù đại dịch Covid đã, đang và sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến rất nhiều ngành hàng, thì những phân khúc liên quan đến lợi ích sinh hoạt hoặc là nhu yếu phẩm, y tế sức khỏe, điện tử, thì lại đang có nhiều dư địa và cơ hội trong việc mở rộng và phát triển trong tương lai.

Theo Minh Khuê/Báo Công Thương Điện Tử