Trách nhiệm của Hà Nội, các sở ngành trong sai phạm tại KĐT mới Hoàng Văn Thụ của UDIC

TP. Hà Nội giao UDIC làm CĐT dự án không thông qua đấu thầu

Vừa qua, kết luận của Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra hàng loạt sai phạm của Công ty CP Đầu tư phát triển Hạ tầng đô thị (UDIC) trong việc thực hiện Dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai (Hà Nội).

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra loạt sai phạm tại 9 dự án do Công ty Lã Vọng hoặc các công ty con, đơn vị thành viên của Lã Vọng làm chủ đầu tư, trong đó có dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ.

20 năm trước, theo kết luận của TTCP, UBND TP. Hà Nội đã giao UDIC tổ chức nghiên cứu, lập dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ. Tới năm 2004, UBND TP. Hà Nội có văn bản chấp thuận giao Công ty UDIC và Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng Hà Nội làm đồng chủ đầu tư, lập quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, tỉ lệ 1/500.

Tuy nhiên, do thành lập quận Hoàng Mai nên đến năm 2007 Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ mới được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỉ lệ 1/500. Do Công ty CP Đầu tư phát triển Hà Nội không tham gia liên danh thực hiện dự án nên UBND TP Hà Nội cho phép UDIC tiếp tục đầu tư dự án.

Phối cảnh dự án Khu đô thị Hoàng Văn Thụ (Hoàng Mai, Hà Nội)

Đến ngày 21/7/2011, UBND TP Hà Nội có quyết định cho phép đầu tư dự án Khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ, theo đó chủ đầu tư là UDIC.

Ngày 20/10/2016, UDIC kí hợp đồng hợp tác kinh doanh với các công ty tư nhân để tham gia góp vốn thực hiện dự án này. Cụ thể, UDIC, Công ty CP Đầu tư và Thương mại Louis (công ty thành viên của Lã Vọng) và Công ty CP Thương mại Ngôi nhà mới (công ty con của Lã Vọng) đã bắt tay góp vốn thực hiện.

Giá trị góp vốn là 300 tỉ đồng, trong đó UDIC góp 45 tỉ đồng (chiếm 15%), Công ty Louis hóp 150 tỉ đồng (50%), Công ty Ngôi nhà mới góp 105 tỉ đồng (35%). Năm 2017, UBND TP đồng ý cho UDIC hợp tác đầu tư với các liên danh tiếp tục triển khai, hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án.

Các bên xác nhận chị phí của UDIC từ khi nghiên cứu dự án đến thời điểm kí hợp đồng là 10 tỉ đồng, số tiền này các bên đã hoàn trả cho UDIC theo tỉ lệ góp vốn. Ngày 12/12/2017, UBND TP Hà Nội cho phép giao Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai làm chủ đầu tư dự án, thời gian thực hiện dự án từ quí IV/2016 đến quí IV/2023.

Theo tìm hiểu, đại diện pháp luật của Công ty Hoàng Mai thời điểm thành lập là ông Lê Văn Vọng. Ông Vọng cũng là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lã Vọng, đồng thời nắm quyền kiểm soát tại Công ty Ngôi nhà mới với 97% cổ phần thời điểm đó, và là cổ đông sáng lập tại Công ty Louis.

Theo Thanh tra Chính phủ, từ năm 2000 đến 2007, UDIC làm chủ đầu tư dự án nhưng mới triển khai được một số công tác chuẩn bị đầu tư (lập qui hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư). “Năm 2011, UBND TP.Hà Nội giao UDIC làm chủ đầu tư dự án không thông qua đấu thầu là thực hiện không đúng quy định tại Điều 13 và Điều 14 Nghị định 90 của Chính phủ“, kết luận thanh tra nêu rõ.

Theo Thanh tra Chính phủ, để xảy ra vi phạm trên, trách nhiệm thuộc về Sở Kế hoạch – Đầu tư và UBND TP Hà Nội.

UBND TP Hà Nội và nhiều Sở ngành khác bị nêu trách nhiệm

Tiếp đó, Hà Nội đã không xem xét đến chủ trương của TP về phát triển quỹ nhà dành cho tái định cư và nhà ở xã hội, làm trái với quy định của Chính phủ về phát triển nhà ở xã hội khi năm 2017 tiếp tục phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xác định phần diện tích đất ở cao tầng là 7,044 ha, trong đó có 2,04 ha đất đã quy hoạch nhà ở cao tầng khu di dân, đấu giá thực hiện dự án riêng, giao quỹ đất 20% của dự án để làm dự án đối ứng BT.

Về sự việc trên, Thanh tra Chính phủ kết luận rõ: “Trách nhiệm này thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc và UBND TP Hà Nội“.

Về việc GPMB, tổng diện tích thu hồi GPMB là 22,562 ha, kinh phí bồi thường GPMB tạm tính 528,8 tỉ đồng. UBND quận Hoàng Mai đã phê duyệt 266 phương án bồi thường diện tích gần 15,1 ha đất nông nghiệp cho các hộ dân. Đến thời điểm thanh tra, công tác GPMB của dự án được khoảng 11,25 ha với số tiền bồi thường là 309,764 tỉ đồng. Công ty CP đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai đã chi trả số tiền trên.

Diện tích đất chưa bồi thường GPMB là 11,312/22,562 ha, trong đó có khoảng 3.000 m2 bị lấn chiếm xây nhà trái phép gây khó khăn cho việc thống kê và bồi thường GPMB.

Thanh tra Chính phủ cũng cho biết, đến thời điểm thanh tra, UBND TP Hà Nội đã giao 7,61 ha/11,25 ha đất đã hoàn thành GPMB cho Công ty Hoàng Mai để thực hiện dự án, nhưng chưa tính tiền sử dụng đất để công ty nộp theo quy định. Hiện dự án vẫn đang tiếp tục thực hiện công tác GPMB.

Về quản lí đất đai, theo Thanh tra Chính phủ, UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai buông lỏng quản lí đất đai và trật tự xây dựng để việc xây dựng trái phép, chia tách chuyển nhượng trên phần đất giải tỏa, gây khó khăn cho việc GPMB.

Thanh tra Chính phủ cho biết, trách nhiệm này thuộc về UBND phường Thịnh Liệt và UBND quận Hoàng Mai và cũng yêu cầu quận Hoàng Mai xử lí theo qui định những hộ, cá nhân lấn chiếm, mua bán, xây dựng không phép trên phần đất nằm trong diện giải phóng mặt bằng.

Mai Hương(T/H)/Sở hữu Trí tuệ